Một số giải pháp giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 

Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, tỉnh đã xây dựng, thực hiện các chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển. Các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh; lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, đúng pháp luật để giới thiệu đến các địa phương tư vấn, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Nhờ vậy, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh từ năm 2016-2020 đã đạt được kết quả hết sức quan trọng.

Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 58.815 lượt lao động. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 11.763 lượt lao động, đạt 123,8 % chỉ tiêu đề ra. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, từ 46,13% lao động đã qua đào tạo năm 2016 tăng lên 65,88% vào năm 2020. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm (từ 51,8% năm 2016 còn 49% năm 2020); Thương mại - Dịch vụ tăng (từ 29,98% năm 2016 lên 32% năm 2020); Công nghiệp -Xây dựng tăng (từ 18,22% năm 2016 lên 19% năm 2020). Người lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lớn như: Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ... Thu nhập bình quân hàng năm của lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn hẳn so với lao động làm việc trong nước. Nhờ vậy, lượng kiều hối chuyển về tỉnh từ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần theo từng năm đã góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 7,16%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 trên 55 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 74,47% năm 2015 lên 78,49% năm 2020; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 25,53% năm 2015 xuống còn 21,51% năm 2020.

Tuy đạt được kết quả trên nhưng hàng năm số lượng lao động chưa tìm được việc làm của tỉnh vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phá sản nên không đáp ứng đủ nhu cầu việc làm của lực lượng lao động. Các doanh nghiệp may tuy thu hút được nhiều lao động nhưng thu nhập thấp nên người lao động ít gắn kết với doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đưa ra mức lương thấp trong khi đó chi phí sinh hoạt, ăn, ở cao nên thiếu hấp dẫn người lao động tham gia đi lao động ngoài tỉnh. Một bộ phận thanh niên an phận, chưa chịu khó và quyết tâm tham gia xuất khẩu lao động để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình.

Theo dự báo của Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị, đến năm 2025 dân số của tỉnh có khoảng 640.000 người, dân số trong độ tuổi lao động 360.000 người (chiếm 56,25% tổng dân số). Để giải quyết tốt vấn đề việc làm, tạo điều kiện tăng thu nhập, ổn định đời sống cho lực lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội của địa phương; trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác giải quyết việc làm. Ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ vốn, dạy nghề, phát triển hạ tầng,... nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm.

Chú trọng tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức như: Cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, trên các phương tiện thông tin đại chúng... để người lao động, người sử dụng lao động có nhu cầu khai thác, sử dụng nhằm phục vụ các giao dịch việc làm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều việc làm mới.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chú trọng dạy nghề, đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ,... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia. Tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để thành lập các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề có trình độ quốc gia hoặc khu vực.

Nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, từng bước tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động và chuyên đề; mở các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các địa phương, các cơ sở đào tạo giới thiệu lao động vào làm việc tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh... Hồng Bốn

2731 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1001
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1002
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87173657