MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán và xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng. Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 13-NQ/TW).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, với tinh thần quán triệt những quan điểm, định hướng, nhiệm vụ của Trung ương, vận dụng cụ thể vào thực tiễn của địa phương, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTHĐ/TU, ngày 01 tháng 11 năm 2002 tập trung đánh giá tình hình kinh tế tập thể; những yêu cầu đặt ra đối với thực tiễn Quảng Trị; đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có tính trọng tâm, trọng điểm; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khoá XIV đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức sơ kết 5 năm, trên cơ sở đó, ban hành Kết luận số 222-KL/TU, ngày 02 tháng 7 năm 2007 và Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 21/10/2009 về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và ban hành Chương trình hành động số 71-CTHĐ/TU,ngày 11 tháng 7 năm 2013 về triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21 tháng 2 năm 2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, để cụ thể hoá các chủ trương của Tỉnh uỷ, đã chỉ đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Điểm lại như vậy để thấy được rằng, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, nhằm đưa kinh tế tập thể của tỉnh phát triển đi lên, phấn đấu tiệm cận và vượt các chỉ tiêu trung bình của cả nước.

Qua 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 311 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, trong đó có 284 HTX nông nghiệp, 08 HTX giao thông vận tải, 11 Quỹ tín dụng nhân dân, 05 HTX công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, 01 HTX môi trường và 02 HTX ngành nghề khác. Tổng số xã viên trong các HTX là 95.413 thành viên. Các HTX nông nghiệp được đánh giá là đã triển khai thực hiện tốt các khâu dịch vụ, trong đó, nhiều HTX đã mở thêm một số loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao, có mô hình liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; bên cạnh đó đã thực hiện tốt việc quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thực hiện những chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ cho nông dân, tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Một số HTX đã tìm được hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra, điển hình có HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa với sản phẩm cà phê hữu cơ, HTX hồ tiêu Vĩnh Linh, HTX gạo sạch Triệu Phong, HTX gà sạch Triệu Thượng... Trên lĩnh giao thông vận tải có 08 HTX với 509 phương tiện, tạo công ăn việc làm cho 600 lao động, thu nhập ổn định bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng. Trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và xây dựng với 05 HTX hoạt động khai thác đá, cát sỏi, cơ khí, mộc và xây dựng dân dụng, tạo việc làm cho 250 thành viên với thu nhập đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng... Nhìn chung, các HTX phi nông nghiệp làm ăn cơ bản có lãi, góp phần giải quyết việc làm và ổn định nguồn thu nhập cho lao động. Đối với hình thức tổ hợp tác, toàn tỉnh có 2.673 tổ hợp tác với 31.796 thành viên. Thực tế cho thấy, hoạt động của tổ hợp tác phù hợp với phát triển kinh tế địa phương do tính linh hoạt, đáp ứng nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi, hỗ trợ nhau trong hoạt động.

Kết quả thực thế đã chứng minh, hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong thời gian qua có những đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội và thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Có thể khẳng định rằng, kinh tế tập thể ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị ở nông thôn.

Tuy nhiên, phải thắng thắn nhìn nhận, kinh tế tập thể vẫn còn nhiều hạn chế: Sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế, chính sách được ban hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể và hợp tác xã vẫn còn hạn chế, có khi lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và hơn hết là bản thân các hợp tác xã vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất, nhất là về năng lực, trình độ quản lý. Hoạt động của các hợp tác xã thiếu gắn kết với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp, chưa có sự liên kết chặt chẽ, bền vững trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị kinh tế khu vực kinh tế tập thể trong tổng GRDP của tỉnh chiếm tỷ lệ còn quá khiêm tốn (chỉ khoảng 2% GRDP).

Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến cho khu vực kinh tế tập thể phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vẫn là do vấn đề nhận thức. Mặc dù, trong thời gian qua, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể đã có bước chuyển biến nhưng vẫn còn mờ nhạt, vẫn chưa thấy được hết ý nghĩa của việc hợp tác, hiệp lực trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn lúng túng. Bên cạnh đó, trình độ lao động, quản lý của hợp tác xã còn yếu; hầu hết quy mô nhỏ, manh mún, ít vốn, công nghệ lạc hậu và chưa liên kết được với các doanh nghiệp uy tín để tổ chức sản xuất, nhất là tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm… Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hợp tác xã khó cạnh tranh, phát triển so với các loại hình doanh nghiệp khác trong cơ chế thị trường hiện nay.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều cơ hội phát triển, song cũng đối diện với nhiều thách thức đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cũng như cộng đồng hợp tác xã phải có một tư duy mới, cách nhìn mới và có các giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững hơn. Bởi vậy, để kinh tế tập thể ở tỉnh ta không ngừng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã thoát khỏi những yếu kém hiện nay, đạt tỷ trọng từ 8 - 9% GRDP của tỉnh như kế hoạch đã đặt ra, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó:

- Cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về Luật Hợp tác xã năm 2012, bản chất mô hình hợp tác xã kiểu mới, hiểu rõ các giá trị và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, sự khác nhau giữa hợp tác xã kiểu cũ và kiểu mới; vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung; nhấn mạnh được vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

- Có kế hoạch nghiên cứu để ban hành thêm các chính sách mang tính địa phương để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với nhu cầu, điều kiện và trình độ phát triển của các hợp tác xã, phù hợp với khả năng nguồn lực của ngân sách.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế tập thể. Nhất là chú ý kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở; quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về hợp tác xã và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã.

- Tập trung chỉ đạo kiện toàn các loại hình hợp tác xã, nhất là những hợp tác xã yếu kém, những HTX không đủ điều kiện, ngừng hoạt động thì kiên quyết giải thể, tiến hành thành lập các tổ hợp tác. Quan tâm việc sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã có thể liên kết kinh tế với các hợp tác xã khác cùng hoạt động trên cùng lĩnh vực, ngành nghề trên nhiều địa bàn lãnh thổ khác nhau để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường. Quan tâm hướng dẫn, thành lập các tổ hợp tác được UBND cấp xã chứng thực để đảm bảo quyền lợi và hợp tác phát triển kinh tế của tổ hợp tác và các thành viên.

- Đánh giá lại các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; lựa chọn một số hợp tác xã có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

- Liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện cho quyền lợi của các hợp tác xã, vì vậy, cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã; tăng cường tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho việc hình thành và phát triển hợp tác xã.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong phát triển kinh tế tập thể. Cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc tuyên truyền, vận động thành viên tham gia hợp tác xã, đưa Luật Hợp tác xã năm 2012 vào cuộc sống.

Những kết quả đạt được của kinh tế tập thể trong những năm qua là rất quan trọng, cần tiếp tục phát huy. Với sự quyết liệt, không ngừng sáng tạo vươn lên của các HTX, tổ hợp tác, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước với những chính sách thiết thực, phù hợp, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, kinh tế tập thể tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân.  Thanh Lan

3260 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2736
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2736
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76260321