MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN  

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra vào tháng 8/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Miền Trung - mặt tiền ra biển của Việt Nam và cũng là nơi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, vẫn còn nhiều tiềm năng của "rừng vàng - biển bạc" chưa được khai thác hiệu quả. Miền Trung phải "bám" biển, khai thác lợi thế hiếm có này để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Miền Trung lấy biển và ven biển làm trung tâm

Với chiều dài 1.900km, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia và là vùng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.  Do đó, miền Trung phải trở thành khu vực phát triển năng động, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển... Để miền Trung cất cánh, cần phải thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, trong đó, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm, đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển, xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch. Đặc biệt, phải rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

Theo đó, các tỉnh miền Trung tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi: Thứ nhất, phải vận dụng chiến lược biển vào miền Trung, tập trung vào năm trụ cột lớn: Đối với ngư nghiệp: Tập trung đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có; Du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo; Cảng biển và dich vụ logistic; Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; Phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác. Thứ hai, liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, trong đó vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung rõ hơn, có một thể chế thuận lợi để phát triển khu vực, trong đó có việc phân lại vùng cho hợp lý hơn. Cần có nghị quyết, chỉ thị để cụ thể hóa phát triển. Thứ ba, xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, để miền Trung thật sự là “đất lành chim đậu”.

Đối với tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị là một tỉnh nằm trong dãi đất miền Trung, có tiềm năng, lợi thế về biển, với 75 km chiều dài bờ biển trải dài trên 12 xã, thị trấn giáp biển và 4 xã có cửa lạch từ huyện Vĩnh Linh đến huyện Hải Lăng. Biển Quảng Trị có ngư trường rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản hàng năm khoảng 60.000 tấn; là nơi tập trung nhiều loại hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; có huyện đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 30 km, diện tích 2,2 km2, với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô quý hiếm, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển.. Dọc bờ biển của tỉnh ta có nhiều vùng kín gió thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng khu sửa chữa, neo đậu tàu thuyền và có nhiều bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển... Ngoài ra, có nhiều tài nguyên khoáng sản như khí tự nhiên, titan, cát trắng... tiềm năng cho cho phát triển các ngành công nghiệp về năng lượng, sản xuất thủy tinh, pha lê... Chính vì vậy, việc phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển như tinh thần Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, cũng như Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trước hết, cần chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển. Rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển, hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển của tỉnh thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, trong đó lấy Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân, phát triển công nghiệp đa ngành. 

Đầu tư hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ vận tải biển. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng cụm cảng nước sâu Mỹ Thủy, nâng cấp cảng Cửa Việt để khai thác lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ có liên quan. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa đóng tàu, công nghiệp phụ trợ.

Phát triển du lịch, dịch vụ biển, đảo trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển. Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp vùng ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng và trên đảo Cồn Cỏ; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển địa phương trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây để Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và khu vực.

Chuyển mạnh từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất cao, đánh bắt xa bờ. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện khí, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển; nuôi trồng, chế biến rong, tảo biển... Tham gia các dịch vụ phụ trợ cho sản xuất năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, các khu đô thị sinh thái ven biển. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển. Nâng cao  chất lượng chăm sóc y tế, giáo dục, cung cấp đầy đủ điện, thông tin liên lạc, nước ngọt, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển và những người lao động trên biển. Chú trọng phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hoá biển; bảo tồn không gian văn hoá, kiến trúc và di sản thiên nhiên. Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển, phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển.

Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển. Xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng dân quân biển vững mạnh, có số lượng hợp lý, có chất lượng cao. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trên các khu vực trọng yếu, tuyến biển, đảo. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển Việt Nam.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ. Tích cực, chủ động liên hệ, phối hợp với các bộ, ngành trung ương để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đầu tư trên địa bàn.

- Thanh Lan- VPTU

3806 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 714
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 715
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87020728