MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 

và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Sự biến đổi của môi trường sẽ tác động rất lớn tới các hệ sinh thái, gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn, gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường phải được coi trọng và có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Thực tế những năm qua, vấn đề về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Công tác bảo vệ môi trường đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm, góp phần đáng kể vào quá trình cải thiện chất lượng môi trường sống, thay đổi hành vi của con người đối với môi trường. Quảng Trị đã có nhiều quyết sách để giải quyết được cơ bản các vấn đề môi trường bức xúc của địa phương. Công tác xã hội hoá đầu tư cho bảo vệ môi trường đã và đang được triển khai có hiệu quả. Ý thức, sự quan tâm về bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền, cán bộ và nhân dân trên địa tỉnh đã được nâng cao rõ rệt. Bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, dưới sức ép của quá trình phát triển thì nhiều vấn đề môi trường nảy sinh, các điểm nóng về môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề vẫn chưa được giải quyết triệt để, đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường; lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn đã làm gia tăng áp lực lên các thành phần môi trường tiếp nhận như đất, nước và không khí; việc xây dựng doanh nghiệp, công ty đặc biệt là các công ty chế biến thủy sản mang tính tự phát không theo quy hoạch ở nhiều nơi; chất thải từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, chất thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chưa được thu gom, xử lý đúng theo quy định,… đã nảy sinh các vấn đề môi trường liên tỉnh, liên huyện cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Do đó, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hôi Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thể chế hóa kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối kết hợp trong hoạt động. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường, hội thảo, tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện của thế giới và trong nước về bảo vệ môi trường. Đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường cho toàn thể cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên và môi trường; xây dựng ý thức, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội. Thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải trong các khu dân cư, các dòng sông, kênh rạch, ao tù,... xây dựng môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Thứ ba, thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động sản xuất, canh tác, đặc biệt là công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cải tạo, nâng cấp, thay mới áp dụng quy trình công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải và các mô hình bảo vệ môi trường đã triển khai và phát huy hiệu quả.

Thứ tư, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường có kiến thức tổng hợp về kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường; bổ sung vào lực lượng lãnh đạo của ngành những cán bộ có chuyên môn sâu, có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích kinh tế.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn ngừa, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, canh tác. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường. Các ngành chức năng có liên quan và các huyện, thành phố phải quan tâm tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh kiểm soát sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Thứ sáu, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường mang tính liên ngành, liên vùng, liên lãnh thổ, xuyên quốc gia. Huy động sự tham gia của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, phân tích kinh tế trong và ngoài nước trong thiết kế, xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài. Tăng cường vai trò điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Có cơ chế thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm đối với các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.

Tin tưởng rẳng, với sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của các ngành, các cấp, sự tham tích cực của doanh nghiệp và người dân sẽ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Quảng Trị ngày càng văn minh giàu đẹp./. Tân Linh

2307 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 759
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 759
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015804