Một số giải pháp đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện Vĩnh Linh 

Đào tạo nghề cho người lao động giữ vai trò rất quan trọng góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông thôn.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề được huyện Vĩnh Linh quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Quy trình đào tạo ngày càng chặt chẽ, khoa học, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề ngày càng tăng. Giai đoạn 2016-2022, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 5.048 người  (bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho trên 700 người), kinh phí hỗ trợ là 10.432.348 đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 46% (năm 2016) lên 68,05% (năm 2022); trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 35% (năm 2016) lên 46,03% (năm 2022).  Đa số lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm mới, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Số lao động được đào tạo đã có việc làm mới đạt trên 80%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, hạn chế: Công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh ở các cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa được chú trọng. Nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm còn ít nên các cơ sở dạy nghề khó đầu tư đồng bộ; các hoạt động nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo như: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; chuẩn hóa đội ngũ; phát triển chương trình đào tạo thí điểm chưa được đầu tư. Doanh nghiệp tại huyện chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chưa thu hút nhiều lao động nên thiếu động lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 và  Nghị quyết số 88/NQHĐND, ngày 05/8/2021 của Hội đồng Nhân dân huyện về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 xác định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%. Trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52%.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện Vĩnh Linh đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện, đó là:

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động. Hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người học; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của người học. Tổ chức các hoạt động Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp; các hoạt động định hướng nghề nghiệp học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; tự tạo việc làm; hội thảo, diễn đàn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, học viên giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đặt hàng đào tạo, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI (chỉ số đào tạo lao động).

Gắn kết chặt chẽ giữa 3 “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Kết nối hiệu quả cung - cầu lao động Gắn kết chặt chẽ giữa các bên trong định hướng, tạo điều kiện hỗ trợ; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng (của doanh nghiệp); phối hợp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; hỗ trợ thực tập tại doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng thực hành nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, thông qua hoạt động: chia sẻ thông tin, dữ liệu cung - cầu lao động.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hỗ trợ. Triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình.

Đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, xây dựng, phát triển chương trình, giáo trình học liệu; sửa đổi, bổ sung danh mục, định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động; phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy và cán bộ quản lý công tác đào tạo nghề.

Tăng cường công tác xã hội hóa, liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế. Huy động ngân sách của các tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án để lồng ghép trong công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; triển khai hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở GDNN; hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu tổ chức đào tạo, đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp.

Giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hằng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo định kỳ và đột xuất các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn huyện, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện. Hướng dẫn các đơn vị đào tạo thực hiện việc tự kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc thực hiện giám sát đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thủy Phương

803 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 529
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 530
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89002663