Đầu tiên là mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX Nguyên Khang - Hải Lăng với diện tích 2.000m2; trồng bằng công nghệ thủy canh, tự động hoàn toàn, chuyên sản xuất 2 chủng loại chủ yếu là Rau xà lách các loại và dưa lưới. Tiếp đó, Vĩnh Linh cũng đang xây dựng 12 mô hình trồng rau bằng công nghệ thủy canh tại Vĩnh Trung và Vĩnh Tú. Mô hình sản xuất Măng tây trên cát của Công ty Khoáng sản Quảng Trị với diện tích 02 ha đã bước đầu cho kết quả khả quan. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang hợp tác với Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản triển khai Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, dự kiến trong tháng 2/2018 sẽ triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống nhà màng sản xuất dưa lưới với quy mô 500m2 và tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo.
Trong chăn nuôi, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 doanh nghiệp lập dự án chăn nuôi (doanh nghiệp Tân Triều, doanh nghiệp Phước Trình, doanh nghiệp Hùng Dung, doanh nghiệp Trường Phú) theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 20 trang trại chăn nuôi áp dụng hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh; 1 trang trại chăn nuôi gà đã được cấp giấy chứng nhận VietGap (trang trại gà Trằm Ri của Công ty Clean), quy mô nuôi 18.000 con/năm, xây dựng 1 thương hiệu gà địa phương (gà Tứ Hải) và đang tiếp tục xây dựng thương hiệu Gà Cùa Cam Lộ.
Với những kết quả bước đầu trong sản xuất nông nghiệp trong năm 2017, năm 2018 ngành nông nghiệp tiếp tục lựa chọn, xác định một số ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn lên 5.000, trong đó có 500 ha liên kết với Doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên các đối tượng cây trồng như: Hồ tiêu mang chỉ dẫn địa lý Quảng Trị (Vĩnh Linh, Cam Lộ); Cây ăn quả đặc sản (Cam K4 – Hải Lăng; Bưởi da xanh – Cam Lộ, Vĩnh Linh); Cà phê Arabica… Mục tiêu đến năm 2020, có 10.000 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, có liên kết với Doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị các cây trồng, con nuôi chủ lực. Mở rộng diện tích trồng Dứa nguyên liệu với diện tích trồng mới đạt từ 200 – 300 ha; diện tích trồng cây ăn quả đặc sản ở những vùng có điều kiện tự nhiên, khí hậu thích hợp với diện tích trồng mới đạt 100 ha; diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng dược liệu tập trung phục vụ các làng nghề chế biến dược liệu; khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế theo từng vùng miền sinh thái. Tổng kết, đánh giá và tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mở rộng diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và các loại cây trồng cạn khác. Hợp tác và sản xuất ngô phục vụ cho Nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Công ty Thương mại Quảng Trị. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dựng công nghệ cao, chăn nuôi VietGap, chăn nuôi hữu cơ. Thanh Lan – VPTU