Một số điểm mới đáng chú ý trong Quy định 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ 

Ngày 18/8/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định 80-QĐ/TW, thay thế Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.

Quy định 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị có những điểm mới như sau:

* Bổ sung thêm việc bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định, phong, thăng, giáng, tước quân hàm

Quy định này quy định mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý cán bộ và nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; tái cử, chỉ định, điều động và biệt phái cán bộ. Quy định áp dụng đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Với việc ban hành Quy định 80, có nhiều điểm mới được chỉnh lý, bổ sung so với Quy định 105 trước đây. Đó là bổ sung công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vào nội dung quản lý cán bộ theo Quy định 80-QĐ/TW năm 2022. Căn cứ vào Điều 1, Quy định 105 thì quản lý cán bộ bao gồm các nội dung chính sau: Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ.

Tuy nhiên, theo Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 thì ngoài những nội dung trên, công tác quản lý cán bộ  được bổ sung thêm việc bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định, phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, cách chức cán bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ.

Quy định 80 cũng bổ sung việc không bổ nhiệm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật. Căn cứ vào Điều 10 Quy định 105-QĐ/TW năm 2017 quy định về nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ trước đây như sau: (1) Cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. (2) Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ và tiêu chuẩn chức danh. (3) Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Tại Điều 16, Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 quy định nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử: (1) Cấp uỷ, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. (2) Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín của cán bộ; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. (3) Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. (4) Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Theo nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ của Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 thì khi bổ nhiệm cán bộ sẽ xem xét thêm tiêu chí là uy tín của cán bộ. Do đó, nếu như cán bộ không có uy tín hoặc chưa đủ uy tín thì sẽ không được bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, Quy định 80-QĐ/TW cũng đã bổ sung thêm nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ là cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật sẽ không được bổ nhiệm. Đây là những điểm mới của Quy định 80/QĐ-TW năm 2022 về nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ so với trước đây.

*Siết để tránh “bổ nhiệm thần tốc”

Về điều kiện bổ nhiệm, Điều 14 Quy định 105-QĐ/TW năm 2017đã quy định về điều kiện bổ nhiệm cán bộ trước đây như: bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh. Quy định trước đây cũng nêu, cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn. Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.

Tuy nhiên, tại Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 đã có những thay đổi về điều kiện bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, Điều 18 quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Trong 7 nội dung quy định tại Điều 18, đáng chú ý là việc bổ sung quy định cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên (trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định). Đồng thời, cán bộ bổ nhiệm chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Đối với việc bổ nhiệm sĩ quan trong lực lượng vũ trang do Quân uỷ Trung ương và Đảng uỷ Công an Trung ương quy định cụ thể cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đây là quy định nhằm siết việc cán bộ “thăng tiến thần tốc” theo kiểu vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ thời gian có khi chỉ ít tháng đã lập tức bổ nhiệm chức vụ mới cao hơn. Đã có hiện tượng chỉ trong vài năm, cán bộ “nhảy cóc” từ 3-4 chức vụ. Nay siết quy định ít nhất 2 năm (24 tháng) để tránh việc lạm dụng “thăng tiến thần tốc”!

Đồng thời, Quy định 80 cũng nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức (trước đây chỉ quy định chung cho các hình thức kỷ luật là 1 năm).

Về điều động, biệt phái, trước đây thì mọi cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ đều là đối tượng được điều động, biệt phái cán bộ khi có yêu cầu công tác. Tuy nhiên, tại Điều 29 Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý là đối tượng sẽ được điều động, biệt phái cán bộ. HY- tổng hợp

1657 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 498
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 498
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87633567