Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao học bổng "Học không bao giờ cùng" cho người lớn. Ảnh: dantri.com.vn

Hội viên đạt tỷ lệ 21,89% so với dân số trong cả nước

Trong một phần tư thế kỷ qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành một tổ chức xã hội với số lượng hội viên đạt tỷ lệ 21,89% so với dân số trong cả nước vào tháng 12/2020.

Tính trung bình, mỗi thôn/bản/tổ dân phố hiện nay có 1,39 chi hội khuyến học, nghĩa là đến địa bàn dân cư nào, chúng ta đều bắt gặp có tổ chức khuyến học ở đó. Ngoài ra, ở các cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp, ta còn thấy nhiều nơi có Ban Khuyến học (hiện có 121.110 ban khuyến học đang hoạt động).

Với một lực lượng đông đảo như vậy, Hội Khuyến học là một lực lượng tham gia vào nhiều cuộc vận động như xây dựng và tham gia quản lý hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn hành chính cấp xã, hướng công tác khuyến học, khuyến tài  vào phục vụ xây dựng nông thôn mới và khu phố văn minh, phát triển mô hình cộng đồng cấp xã học tập.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các tổ chức Hội cùng với cán bộ phụ trách giáo dục thường xuyên đã vận động được 101.175.530 lượt người tham gia các lớp học tại trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và trung tâm học tập cộng đồng cấp xã.

Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên một số trung tâm học tập cộng đồng đã mở ra các khóa học về tin học và về ngoại ngữ. Số người học tin học đã lên tới con số 462.105 người.

Số người làm quen với ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là: 2.731.664 người. Việc học nghề ngắn hạn (mỗi khóa đào tạo trong thời gian dưới 3 tháng) đã giúp cho nông dân và lao động nông thôn tại trung tâm học tập cộng đồng là 1.615.504 người. Riêng việc học theo phương châm "cần gì học nấy" qua 5 năm này là 93.537.056 lượt người.

Hàng năm, các Hội Khuyến học đã góp khoảng 2000 tỷ đồng

Trong điều kiện kinh tế chưa phát triển mạnh, nền sản xuất chưa đạt năng suất lao động cao, lại thêm bão lụt liên miên, hơn nữa, từ năm 2020 đến nay, đất nước đã bị đại dịch COVID - 19 làm thiệt hại nặng nề, gây khó khăn cho đời sống người dân, đe dọa tính mạng của nhiều người, việc duy trì và phát triển các loại hình Quỹ Khuyến học là vô cùng cần thiết.

Ban chấp hành Trung ương Hội đã đề ra mức tiền Quỹ khuyến học trung bình trên đầu người dân là 30.000 đồng/ người. Việc này đòi hỏi các Hội Khuyến học các cấp phải tăng cường công tác dân vận, sao cho các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức đóng góp cho Quỹ.

Chỉ tính riêng số tiền quỹ do các tỉnh, thành Hội Khuyến học quản lý, mức độ trung bình của tiền quỹ của 63 tỉnh thành tính trên dân số như sau: năm 2016: 32.478đ/người; năm 2017: 37.075đồng/người; năm 2018: 41.396 đ/ người; năm 2019: 42.635 đồng/người, năm 2020: 30.509 đ/ người.

Nhờ đó, hằng năm các tỉnh thành Hội đã góp trên dưới 2000 tỷ đồng vào các suất học bổng cho học sinh nghèo và phần thưởng cho học sinh giỏi, các khoản hỗ trợ cho  người lớn có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện học tập thường xuyên, các khoản chi phí giúp các thầy, cô giáo có mức sống quá thấp.

Nhờ có Quỹ Khuyến học, từ Trung ương tới Hội Khuyến học các cấp liên tục tổ chức các sự kiện khuyến học như "Cùng em đến trường", "Vượt sông hồ tìm chữ", "tiếp bước tới trường"..., những đợt trao học bổng bằng tiền mặt, tặng hàng ngàn xe đạp, xe lăn, thuốc men, quần áo, máy tính...

Riêng trong mùa dịch COVID-19, Trung ương Hội đã hỗ trợ các vùng xung yếu nhiều tỷ đồng, hỗ trợ sinh viên ngành y tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Các Hội Khuyến học địa phương đã gửi đến những tỉnh, thành phố có dịch bệnh bùng phát nặng nề như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... những khoản tiền tỷ và những nu yếu phẩm cho nhân dân đang phải cách ly triệt để.

 GS.TS Nguyễn Thị Doan trao bằng khen tới các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học. Ảnh: dantri.com.vn

Khởi xướng chương trình "Máy tính cho em"

Với năm học 2021  - 2022, Trung ương Hội đã khởi xướng chương trình "Máy tính cho em" và hỗ trợ học sinh vùng xa của Hà Nội hàng trăm triệu đồng để mua máy tính học trực tuyến.

Hội Khuyến học Quảng Bình đã tặng học sinh phổ thông 1000 điện thoại di động thông minh. Hội Khuyến học Phú Thọ tặng gần  1000 máy tính. Nhiều Hội địa phương đang lần lượt làm Lễ trao máy tính theo lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ.

Đáp ứng lời kêu gọi chung tay chống dịch Covid 19 của Mặt trận Tổ quốc, cán bộ và hội viên trong toàn quốc đang tổ chức quyên góp trong Hội theo tinh thần ai có gì góp nấy, chia sẻ tận tình với bà con đang khó khăn sau nhiều đợt giãn cách xã hội.

Bắt đầu từ năm 2014, toàn Hội đã đồng loạt triển khai Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, đơn vị học tập đến 2020 theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 11/2020, Trung ương Hội đã tổng kết 7 năm Đề án 281. Mọi chỉ tiêu xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập do Nhà nước quy định đã được hoàn thành vượt mức. Vì thế, sau khi tổng kết giai đoạn thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 137/QĐ-TTg (30/7/2021) giao nhiệm vụ cho Hội tiếp tục Đề án xây dựng 4 mô hình nói trên đến năm 2030, đồng thời trao thêm nhiệm vụ mới, xây dựng mô hình công dân học tập trong 10 năm tới.

Ngày 1/12/2021, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2021- 2026), mở đầu cho giai đoạn xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện và tỉnh và cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng mô hình thành phố học tập  trong mạng lưới thành phố học tập thế giới.

5 kết quả quan trọng

Sau một phần tư thế kỷ hoạt động, Hội Khuyến học Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, đạt được những kết quả quan trọng sau:

Hội đã có tổ chức và hội viên với quy mô lớn: Trên địa bàn dân cư nào trong nước cũng có chi hội khuyến học, số lượng hội viên đã trên dưới 22 triệu người. Hội đã làm tốt vai trò nòng cốt của mình trong cuộc vận động nhân dân học tập suốt đời theo yêu cầu của Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ chính trị.

Hội đã góp phần định hình cấu trúc xã hội học tập trên địa bàn hành chính cấp xã. Bắt đầu từ năm 2022, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài sẽ định hướng phục vụ xây dựng các mô hình học tập cấp huyện và cấp tỉnh.

Hội đã góp phần xây dựng phong trào học tập suốt đời của người lớn, từng bước cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên mở, gắn việc học tập suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức, và công nhân kỹ thuật, nông dân với hệ thống giáo dục người lớn của trường đại học trên cơ sở vận động hệ thống đại học tổ chức các khóa đào tạo mở, hệ thống tài nguyên giáo dục mở và phương thức đào tạo mở...

Hội đã trở thành một tổ chức xã hội mang tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển.

Do hoạt động khuyến học đã trở thành một phong trào rộng khắp trong nước, phát triển liên tục và bền vững, Nhà nước đã lấy ngày thành lập Hội 2/10 làm ngày Khuyến học Việt Nam.

Đảng và Nhà nước đã ghi công Hội Khuyến học Việt Nam qua các hình thức khen thưởng như sau:

- 2 Huân chương Lao động hạng Nhất

- 9 Huân chương Lao động hạng Nhì

- 8 Huân chương Lao động hạng Ba

- 14 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ

- 14 Bằng khen của Chính phủ

 

 
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam