|
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). (Ảnh: Bích Liên) |
Sáng 29/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
Xây dựng Chính phủ mở, nền hành chính Nhà nước mở
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình cao với các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ. Đại biểu ấn tượng sâu sắc về một nhiệm kỳ Chính phủ thành công, liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân, nói không với tham nhũng, gần dân, sát dân, giải quyết những vấn đề của đời sống, một Chính phủ quyết tâm phục vụ nhân dân.
“Chúng tôi rất ấn tượng với những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi lắng nghe ý kiến nhân dân, như kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020”, đại biểu cho biết.
Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ những hạn chế trong nhiệm kỳ qua là sự chuyển động chưa đều, vẫn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cơ chế xin cho… “Khi một cỗ máy vận hành thì chỉ một chi tiết nhỏ lỡ nhịp thì sẽ ảnh hưởng tới cả cỗ máy. Bộ máy hành chính nhà nước của chúng ta cũng vậy”, đại biểu nêu rõ.
Để khắc phục bất cập này, đại biểu đề nghị, trước hết cần tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển với thước đo là hoàn thiện thể chế ban hành văn bản đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm nhiều đến sự công khai minh bạch trong các chính sách, các chế độ để người dân được biết và tin tưởng. Cần phải nâng cao chất lượng xây dựng luật, xây dựng chính sách có tính khả thi, tăng tính chuyên nghiệp trong soạn thảo các văn bản pháp luật. Chính phủ cần “hiểu điều dân muốn, làm điều dân cần”, khắc phục bệnh hình thức trong đánh giá, đại biểu đề nghị.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đề xuất, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần phải tập trung xây dựng bộ máy công quyền, công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; xây dựng một Chính phủ mở, một nền hành chính Nhà nước mở, phải đảm bảo được tính công khai minh bạch trong tất cả thông tin. Đồng thời, thực hiện đúng tinh thần xây dựng Chính phủ quyết liệt, phục vụ nhân dân, coi trọng ý kiến của dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của chính quyền.
Khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã thành công, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng đánh giá cao báo cáo của Chính phủ.
Đại biểu cho biết, đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây nhiều biến động lớn trên thế giới. Chính phủ đã cho nhân dân cả nước thấu hiểu hơn về một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, bình tĩnh đối mặt, một đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia ngày đêm tập trung cao độ ứng phó với đại dịch, luôn xử lý các vấn đề cấp bách và xây dựng những chính sách quản lý phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững. “Chính phủ đã bắt đúng bệnh, việc tiếp theo là điều trị bệnh chứ không chỉ dừng lại ở việc thăm khám, kê đơn; chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân”, đại biểu chia sẻ.
Đại biểu Hiền cũng chỉ rõ: Thực tế cho thấy xã hội không chỉ có một mà có nhiều kiểu chuyên gia khác nhau. Trong hệ thống bộ máy của chúng ta cũng vậy, về cơ bản có hai kiểu là chuyên gia thông thái và chuyên gia thông minh. Chuyên gia thông thái luôn có cách nhìn tổng thể, khách quan, dám chỉ ra cái sai, đối mặt với cái dở của ngành mình, địa phương mình từ đó có khả năng quyết định dựa trên những thông tin thu thập, quan sát được.
“Chuyên gia thông minh dù có khả năng thu thập được thông tin nhưng phần lớn thường bắt lỗi tư duy theo lối mòn, chỉ phân tích chuyên môn mang tính an toàn trong lĩnh vực họ nghiên cứu, dù họ có thừa chứng chỉ, học hàm, học vị. Khi tư duy bị thu hẹp trong lối mòn cái tôi sẽ phình ra, đó là một trong những nguyên nhân của nhóm chính sách khi ban hành thiếu sự liên kết, thiếu tính thực tiễn thậm chí là ngắn hạn và mang tính đối phó. Những cách làm chính sách như vậy hiện nay vẫn tồn tại trong bộ máy của chúng ta”, đại biểu phân tích.
Từ thực tế đó, đại biểu mong rằng Chính phủ nhiệm kỳ tới cần kiên quyết xóa dần lối mòn về tư duy, kiến tạo tương lai. “Điều tôi muốn đặt niềm tin về nhiệm kỳ của Chính phủ tới đó là công tác giáo dục phải đảm bảo quyền của trẻ em, người học và lực lượng giáo viên khi ban hành thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Cùng quan điểm trên, tuy nhiên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ điều băn khoăn, trăn trở về tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế…Về nhiệm kỳ tới, đại biểu đề nghị, cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo… Đồng thời, quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương triển khai Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh; có cơ chế thu hút, quần tụ nhân tài; xây dựng cơ chế ứng phó với các tình huống bất ngờ…đưa đất nước tiến tới phát triển bền vững.
Đầu tư văn hóa, giáo dục, tạo nền tảng phát triển bền vững
Nêu quan điểm về công tác hệ thống chính sách an sinh xã hội, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi ) khẳng định: Nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện với nhiều kết quả nổi bật về thành tựu kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
“Thời gian tới chúng ta phải đối diện với tình trạng già hóa dân số, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nếu như chúng ta không có những bước chuẩn bị chiến lược, chính sách kịp thời, phù hợp. Bởi vậy, cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn dân, hỗ trợ những người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng cuộc sống an toàn hạnh phúc. Đây là kỳ vọng lớn lao và đòi hỏi nỗ lực rất lớn”, đại biểu cho biết.
Cùng với phát triển kinh tế, đại biểu cũng đề nghị phải đầu tư tương xứng cho văn hóa, giáo dục để tạo nền tảng phát triển bền vững, toàn diện cho đất nước.
Còn đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) lại cho rằng, ba đột phá chiến lược được xem là ưu tiên cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ là tạo ra nhiều dấu ấn về hoàn thiện thể chế, giải quyết việc làm cho nhân dân.
“Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… đã có nhiều đổi mới, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã huy động được sự ủng hộ của người dân, phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc. Công tác môi trường, phòng chống tham nhũng được quan tâm thường xuyên, an ninh quốc phòng được giữ vững" đại biểu cho hay.
Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn còn một số tồn tại mà cử tri băn khoăn như: một số vấn đề trong thủ tục hành chính; vấn đề quản lý đất đai, tài sản công; khai thác cát sỏi lòng sông…“Những chuyển biến tích cực trong tinh thần phục vụ nhân dân đã được nhân dân ghi nhận, nhưng nhân dân mong tinh thần này tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ mới”, đại biểu nói.
Cho rằng thành công lớn của Nhà nước nhiệm kỳ qua là đã tạo ra sự ổn định trong toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh thế giới phức tạp, Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng, dịch giã, thiên tại phức tạp thì việc ổn định xã hội là không dễ. Nhưng những năm qua, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, nhất trí và đồng lòng của toàn dân, chúng ta đã tạo được sự ổn định.
Đại biểu bày tỏ đánh giá cao các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực mình quản lý, góp phần vào thành công chung của cả nhiệm kỳ. “Có thể thấy, Chính phủ đã làm việc rất đều tay trong nhiệm kỳ qua, nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau”, đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu.
Đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn không ít những lãng phí, tham nhũng, còn những cái sai, cái xấu nhưng chúng ta không lấy đó làm thất vọng vì toàn Đảng, toàn dân vẫn kiên quyết đấu tranh, với phương châm không có vùng cấm.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống dịch COVID-19, đại biểu Trí nêu quan điểm: Công thức 5K mà chúng ta đã và đang áp dụng trong cuộc chiến chống COVID-19 là rất đúng, là một sáng tạo chống dịch của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và sử dụng vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, cần triển khai nhanh, mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine dù vẫn cần thận trọng bởi chúng ta chưa biết hết những tác dụng phụ. Cần động viên cả xã hội, từ các bệnh viện công, bệnh viện tư, thậm chí các tập đoàn tư nhân trong công cuộc nghiên cứu và tiếp cận vaccine tốt nhất, an toàn nhất để đưa vào sử dụng./.