Năm 2018, ngành NN&PTNT triển khai kế hoạch trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen. Ngoài sự thuận lợi hơn về thời tiết so với năm trước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tiêu thụ nông sản phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia và chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; Những yếu kém nội tại của sản xuất nhỏ trước đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn chậm được khắc phục....
Cũng chính vì vậy một trong những điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế trong năm là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại 2 thị trường lớn Trung Quốc và EU. Theo Bộ NN&PTNT, năm vừa qua Bộ đã có 6 đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng kết hợp tổ chức/tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc. Từ những nỗ lực này, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa chính ngạch thêm 7 loại trái cây Việt Nam, chấp thuận cho 13 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này. Còn tại thị trường EU đã chuyển hướng tiếp cận mới cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thông qua tăng cường sự hiện diện của nông sản Việt Nam tại các siêu thị lớn và chợ đầu mối quan trọng của Pháp và Châu Âu.
Đồng thời chủ động tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc các thị trường cho xuất khẩu, như: Các mặt hàng thịt bò, sữa vào Malaysia, thịt lợn, gà, trứng vào Singapore, thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc… năm 2018 đã mở cửa các thị trường mới như thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU...
Qua đó, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh (trừ một số mặt hàng cây công nghiệp giá giảm). Năm 2018 ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (tôm: 3,59 tỷ USD, rau quả: 3,81 tỷ USD, hạt điều: 3,43 tỷ USD, cà phê: 3,46 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD).
Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất trong nước tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả: Các doanh nghiệp nhà nước, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, chuyển đổi, hoạt động hiệu quả hơn. Lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 9.235 doanh nghiệp. Số lượng trang trại, HTX nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, cả nước có 13.400 HTX nông nghiệp và 55% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Số HTX thành lập mới năm 2018 là 1.935 HTX, tăng 63%. Cả nước có 35.500 trang trại, tăng 1.500 trang trại; trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn.
Về những thách thức có thể tác động đến tình hình xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho những biến động thị trường và thiên tai luôn là hai bài toán khó đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và của nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nếu dự báo tốt cả 2 yếu tố này thì chúng ta sẽ có những giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và thị trường gây ra. Chẳng hạn ở vùng hạn hán, thiếu nước sản xuất như vùng Nam Trung Bộ sẽ lựa chọn những loại cây, con phù hợp và ứng dụng khoa học công nghệ (giống chịu hạn, sử dụng thiết bị tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước…). Hay như vùng Đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với biến đổi khí hậu thì chúng ta có thể giảm diện tích lúa thay thế bằng thủy sản, trái cây hoặc đưa vào trồng những giống lúa chịu mặn, chịu ngập; đồng thời, nâng cao năng lực dự báo và phòng chống thiên tai …
Trong thời gian tới, về công tác thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt với Bộ Công Thương, thương vụ của Việt Nam ở các nước để dự báo thị trường, làm cơ sở để sản xuất. Về thị trường trong nước, Bộ cũng sẽ tích cực tham gia cùng Bộ Công Thương tổ chức lại thị trường (cả trong nước và xuất khẩu) để đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản tới, hạn chế tình trạng dư thừa cục bộ (nơi thừa, nơi thiếu) gây thiệt hại cho bà con nông dân và người tiêu dùng trong nước.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối toàn Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hai Hiệp định này đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như thủy sản, lâm sản và đồ gỗ, rau quả và trái cây, ngoài ra cả nông sản khác như: gạo, cà phê, cao su...
Năm 2019, Bộ NN&PTNT xác định một số công tác trọng tâm để thúc đẩy phát triển ngành như: Tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; Phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành; …..
Một số chỉ tiêu được ngành nông nghiệp đề ra: Đối với lĩnh vực trồng trọt, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 1,75 - 1,78%; kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 20,5 tỷ USD; Chăn nuôi phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 3,95 - 4,15%; Thủy sản phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 4,25 - 4,69; kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD; Lâm nghiệp: Độ che phủ rừng đạt 41,85%. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 5-6%; kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD...
Đỗ Hương