Một giọt máu hiến tặng, một cuộc đời được cứu 

(Chinhphu.vn) - Năm 2020, tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” (7/4/2000 - 7/4/2020). Đây là bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước.

 

Hiến máu cứu người thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong cả nước với phong trào hiến máu tình nguyện.

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động Hiến máu tình nguyện, chia sẻ: “Kể từ năm 2000 đến nay, tháng Tư hằng năm đã trở thành dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người.

Đồng thời khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện, nhờ đó đã tạo nên được phong trào hiến máu lan tỏa và rộng khắp ở các cấp, các ngành và toàn xã hội”.

Ngày 15/3/2020 vừa qua, lần đầu tiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Trong thư có đoạn: “Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước”.

Trong khi cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp thì nguồn máu dự trữ để điều trị cho người bệnh trên cả nước cũng ngày càng khan hiếm.

TS. BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết ở nhiều nước trên thế giới, khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, công tác đảm bảo nguồn người hiến máu và cung cấp máu bị ảnh hưởng không nhỏ. Ở nước ta, từ ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của xã hội. Chính vì vậy, công tác vận động và tiếp nhận máu phục vụ, cấp cứu, điều trị người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu không những phải đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu, đảm bảo nguồn máu cho điều trị, mà còn cần đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong cộng đồng”, TS. BS Bạch Quốc Khánh cho hay.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Thu, ở thời điểm hiện nay, hoạt động hiến máu cần được tổ chức thành các điểm hiến máu với quy mô nhỏ, chia thành nhiều đợt theo các khung giờ khác nhau và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu”.

Được biết, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động Hiến máu tình nguyện đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế cập nhật tình hình dịch bệnh; ban hành các văn bản, hướng dẫn tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện đảm bảo máu phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị; đa dạng các hình thức truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh tạo sự yên tâm cho người dân khi tham gia hiến máu.

Các điểm hiến máu, các đơn vị tổ chức hiến máu cũng đã phối hợp với cơ sở tiếp nhận hiến máu điều chỉnh quy mô và bố trí thời gian hợp lý cho người tham gia hiến máu để đảm bảo không tập trung quá đông người vào cùng một thời điểm.

Lựa chọn địa điểm tổ chức rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và có khu vực rửa tay...; vận động, huy động nguồn lực như khẩu trang, dung dịch rửa tay, xà phòng hỗ trợ cho người tham gia hiến máu; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống dịch tại các điểm hiến máu; giảm tối đa các chương trình, sự kiện không cần thiết đi kèm tại ngày hiến máu. Bên cạnh đó, có sự phổ biến, truyền thông tới người đăng ký hiến máu khi có biểu hiện cúm, ho, sốt, khó thở thì không tham gia ngày hiến máu và có các biện pháp tự cách ly, phòng bệnh cho cộng đồng.

Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, tình yêu thương con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Tình nguyện hiến máu cũng là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, mang đậm tính nhân văn, nét đẹp văn hóa, thể hiện sâu sắc đạo lý "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta.

Chỉ một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn lao từ một người hiến tặng máu, những người cần máu sẽ có thêm một cơ hội được cứu sống. 

Để thể hiện tình yêu thương và tấm lòng nhân ái, tính cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc của việc hiến máu nhân đạo, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Hãy luôn sẵn sàng tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, chính gia đình mình!

Nhật Nam

300 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 473
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 473
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77563734