Một đầu mối làm nhiều việc, không tăng tổng biên chế 

(Chinhphu.vn) - Nhân sự dự kiến của các đơn vị sau khi thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là khoảng 130 biên chế công chức, 25 biên chế viên chức và sau đó có thể tăng thêm, nhưng bảo đảm không tăng biên chế trong tổng số biên chế của Bộ Công Thương và biên chế hành chính nhà nước nói chung.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. - Ảnh: VGP

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004, có hai cơ quan cạnh tranh độc lập với nhau bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Cơ quan quản lý cạnh tranh do Chính phủ quyết định thành lập và quy định tổ chức, bộ máy và có trách nhiệm điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh. Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập có nhiệm vụ tổ chức xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan tới hành vi hạn chế cạnh tranh.

Tuy nhiên trong thời gian qua, mô hình hai cơ quan nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn: kéo dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, nguồn lực bị phân tán khiến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh chưa được tập trung, kết quả giải quyết vụ việc luôn đi sau diễn biến của thị trường và chưa thể hiện vai trò can thiệp kịp thời của Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường. Bên cạnh đó, việc duy trì cơ chế kiêm nhiệm trong hoạt động của thành viên Hội đồng Cạnh tranh dẫn đến sự thiếu tập trung trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh…

Do đó, để khắc phục bất cập này, Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ V đã quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với vai trò là cơ quan đơn nhất tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh và trực tiếp thực hiện việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh (gồm Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh).

Về chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhằm kế thừa, đảm bảo ổn định việc điều hành quản lý trong cả 03 lĩnh vực về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đồng thời đảm bảo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên cả 03 lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Về cơ cấu tổ chức, trên cơ sở 03 mảng việc quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định quy định mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tương đương tổng Cục với các đơn vị trực thuộc gồm: 02 Cục, 04 Vụ và các Văn phòng. 

Trong đó, khối cơ quan hành chính gồm: (1) Cục Điều tra và giám sát cạnh tranh; (2) Cục Bảo vệ người tiêu dùng; (3) Vụ Thư ký, xử lý vụ việc cạnh tranh; (4) Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; (5) Vụ Hợp tác quốc tế; (6) Vụ Thanh tra, Pháp chế; (7) Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; (8) Văn phòng quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.

Một đầu mối làm nhiều việc

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và việc bổ nhiệm nhân sự giúp việc cho cơ quan này, tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ quí I do Bộ Công Thương tổ chức chiều 5/4, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, dự kiến bộ máy giúp việc cho Ủy ban gồm 8 đơn vị: Cục Điều tra và Giám sát cạnh tranh (dự kiến 25-30 biên chế); Cục Bảo vệ người tiêu dùng (dự kiến 25-30 biên chế); Vụ Thư ký xử lý vụ việc cạnh tranh: 10-15 biên chế; Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm 10-15 biên chế; Vụ Hợp tác quốc tế: 10-15 biên chế; Vụ Thanh tra pháp chế: 10-15 biên chế; Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và bảo vệ người tiêu dùng: 10-15 biên chế; Văn phòng Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh: 8-10 biên chế. Ngoài ra còn có 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin tư vấn và đào tạo: 20-25 biên chế.

Như vậy, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị sau khi thành lập Ủy ban là khoảng 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện tổng biên chế được giao của 2 cơ quan trước khi hợp nhất là 58 công chức và 10 viên chức biên chế.

Trong giai đoạn 2020-2025, việc thành lập Ủy ban sẽ tăng lên khoảng 70-80 biên chế công chức; 15 biên chế viên chức.

"Số lượng biên chế, nhân sự còn thiếu sẽ được rà soát, sắp xếp, điều chuyển từ các đơn vị của Bộ Công Thương hoặc các bộ, ngành khác nhằm bảo đảm các nguyên tắc không tăng biên chế trong tổng số biên chế của bộ và biên chế hành chính nhà nước nói chung. Việc bổ sung sẽ triển khai theo lộ trình 5 năm"- dự thảo nêu.

Lý giải về cơ sở để ra đời Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân -  Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong Luật Cạnh tranh 2018 có nhiều nội dung liên quan đến điều chỉnh hành vi bị cấm, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế... do đó, Quốc hội cho rằng, cần phải có mô hình cơ quan đủ năng lực, trình độ và tầm để thực thi Luật này.

Điều số 46 Luật Cạnh tranh 2018 quy định thực thi Luật Cạnh tranh là Hội đồng cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban là giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương, giúp Chính phủ quản lý về cạnh tranh, giúp hoàn thiện quy trình tố tụng cạnh tranh để xử lý, điều tra các vụ việc liên quan đến tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh…

Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã giao Chính phủ có hướng dẫn chi tiết về bộ máy, tổ chức, chức năng của Ủy ban.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng 3 Nghị định; trong đó có Nghị định liên quan đến mô hình Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

Khi Nghị định này được Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý để ra đời Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, dự kiến Ủy ban sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2019. Theo đó, Ủy ban còn thực hiện nhiệm vụ nữa là bảo vệ người tiêu dùng, thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2011.

“Ủy ban thành lập dựa trên cơ sở kiện toàn bộ máy và sắp xếp lại bộ máy. Việc thành lập Ủy ban là thu gọn làm một đầu mối nhưng làm nhiều việc, tránh 2 đầu mối làm 1 việc”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Liên quan đến việc gia tăng biên chế sau khi Ủy ban được thành lập, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, Ủy ban thành lập vẫn đảm bảo tổng biên chế không được thay đổi, nhưng có sự điều chuyển cán bộ trong nội bộ, không nằm ngoài tổng biên chế đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Nguyên tắc chung là không tăng biên chế chung khi sắp xếp lại tổ chức.

Thanh Hằng

327 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 926
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 926
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022670