|
Ảnh: PLO |
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nhấn mạnh điều này tại toạ đàm “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp” do báo Lao Động tổ chức sáng 18/10.
Ông Hiếu cho rằng, quản lý là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhưng làm sao để có được phương pháp quản lý rẻ nhất, ít tác động lên chi phí và tiết kiệm thời gian nhất cho doanh nghiệp. "Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỉ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp", ông nói.
“Tôi đã từng chứng kiến có doanh nghiệp khóc ngay trong cuộc hội thảo vì thủ tục”, ông Hiếu nói. Theo ông Hiếu, một sản phẩm phải đợi 30 ngày chưa bán được ra thị trường thì có thể bị đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản.
Cũng theo Phó Viện trưởng CIEM, thời gian qua lần đầu tiên chúng ta thống kê và đưa ra các con số về giấy phép con.
“Tôi không cho rằng nhiều có nghĩa là xấu và ít có nghĩa là tốt. Cái đáng bàn ở đây là chúng ta nhìn về mặt nội dung. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là chúng ta đang thúc đẩy sự cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo, để có thể đưa doanh nghiệp Việt Nam vào giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên qua kiểm tra rà soát, ông Hiếu cho biết có rất nhiều điều kiện kinh doanh có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Chính vì thế, Chính phủ đang quyết tâm bãi bỏ những điều kiện kinh doanh đang đi ngược lại sự thúc đẩy sáng tạo, sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Ở đây bãi bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh, sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị này cho biết thêm, hiện nay nước ta có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động, nhưng sắp tới có thể là 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu. Do vậy việc kiểm soát cả tiền kiểm và hậu kiểm, là điều không thể. Chính vì vậy, các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao.
Một điều quan trọng nữa theo ông Hiếu, đó là từ trước đến nay, chúng ta đang quên vai trò của người tiêu dùng, của xã hội trong việc tham gia giám sát.
“Nhà nước không phải là người duy nhất giám sát, mà cần thúc đẩy sự tham gia giám sát của xã hội. Đây là điều rất quan trọng trong việc quản lý rủi ro. Chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý từ việc trói doanh nghiệp, chuyển sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Đại diện các Bộ nói gì?
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cho rằng Bộ Công Thương có thể cắt giảm tới 80%, thậm chí là 90% các điều kiện kinh doanh hiện hành.
Theo ông Tân, việc Bộ Công Thương mới đây lên phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là bước đầu tiên, trong thời gian tới bộ này sẽ tiếp tục rà soát để đạt được những kết quả phù hợp, đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 675 điều kiện kinh doanh được hứa xoá bỏ của Bộ Công Thương, có ý kiến cho rằng, nhiều điều kiện bị "gộp lại làm một". Về băn khoăn này, ông Nhật Tân khẳng định, đây là lỗi trùng lặp trong rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh. "Bộ Công Thương đã rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh cụ thể liên quan, thuộc phụ lục quyết định cắt giảm ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm bị trùng lặp", ông Tân cho biết.
Cụ thể, có một số điều kiện đã bị gạch bỏ vẫn tồn tại ở các dòng ngay trước hoặc sau dòng đã gạch bỏ. "Chúng tôi đã đề xuất và các điều kiện này sẽ được bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được trình Chính phủ thông qua", ông Nhật Tân khẳng định.
Trả lời câu hỏi khi nào thì những định hướng tiến bộ này sẽ được thực hiện, ông Tân nói: “Việc ban hành nghị định về vấn đề này thì phải theo tiến trình. Hiện nay dự thảo nghị định đang được Chính phủ xem xét. Nếu nhanh thì cuối năm nay sẽ ban hành nghị định”.
Liên quan đến việc quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Không thể so sánh quy mô chăn nuôi và trồng trọt của Việt Nam với các nước khác và một số nước lân cận vì còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
“Do đó, việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước là rất khó. Thời gian tới, cần tập trung sản xuất, chăn nuôi có quy mô và chịu sự quản lý chặt chẽ”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, tạo thông thoáng không có nghĩa là bỏ tất cả các quy định. Trên thế giới chưa có mô hình nào thống nhất để các nước cùng áp dụng mà phải tuỳ thuộc vào từng nước. Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục tìm hiểu và mong cởi trói cho doanh nghiệp.
“Hiện nay, mỗi Bộ được giao quản lý một số mặt hàng. Tuy nhiên, kỳ vọng có thể quản lý được tốt nhất các mặt hàng như mong muốn là rất khó và cần thời gian”, bà Nga thông tin.
Về lĩnh vực xây dựng, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) khẳng định, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, bãi bỏ hoặc thay thế bằng hình thức quản lý khác đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất phương án đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ và được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2017. Hiện nay, dự thảo nghị định này đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm 2017.
Thanh Hằng