Nếu du lịch phát triển sẽ có khách sạn 3-4 sao?!
Huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị đang trở mình cựa quậy với mong muốn biến thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn, dù những bước đi đầu tiên đang gặp khó khăn. Nhưng với ý chí muốn biến nơi đây từ một hòn đảo quân sự thành một điểm du lịch thì những khó khăn chắc hẳn sẽ không cản bước được tham vọng này.
Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê kỳ - hai câu thơ được Bác Hồ gởi tặng quân dân trên đảo hồi những năm chiến tranh phần nào đã nói lên được những kỳ tích của hòn đảo này. Và đến thời bình, Cồn Cỏ muốn lập lại kỳ tích khi đang trở mình "lột xác" thành một điểm du lịch hấp dẫn.
|
Mai sau, dù phát triển đến đâu thì cũng chỉ mong Cồn Cỏ giữ được mình. Ảnh: Đắc Thành |
Đầu tháng 4, chính quyền Quảng Trị tổ chức một chuyến khảo sát đưa các đơn vị lữ hành, các cơ quan báo chí ra đảo, cốt để giới thiệu về tiềm năng du lịch của hòn đảo này. Sau hơn một giờ ngồi trên con tàu cao tốc, Cồn Cỏ hiện ra trong mắt du khách với những khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ và thân thiện. Một vòng quanh đảo, du khách ai cũng tỏ ra thích thú với hòn đảo này. Khắp nơi trên đảo tràn ngập màu xanh với khu rừng có diện tích khá rộng. Khu rừng được tái sinh sau khi chiến tranh chấm dứt, mà như lời của một anh chính quyền huyện “nếu không có chiến tranh thì bây giờ chúng ta sẽ chứng kiến được những gốc cây cổ thụ to lớn không thua gì những cánh rừng ở đất liền”. Rồi ai đó trong đoàn lo lắng: “Nhưng nếu du lịch phát triển thì khu rừng này có còn được nguyên vẹn?”
Để chứng kiến được khung cảnh hùng vĩ của khu rừng, phía chính quyền cho chúng tôi lên ngọn hải đăng, nơi có vị trí cao nhất đảo để quan sát. Có thể nói, Cồn Cỏ hiện tại đang được bao quanh, che chở bởi cây xanh, không khí thoáng mát, dễ chịu hơn nhiều so với đất liền. Nhưng, nỗi lo lắng của ai đó liệu có thành hiện thực khi du lịch phát triển?
Trong buổi hội nghị do chính quyền tỉnh và huyện tổ chức hôm đi khảo sát, các đơn vị lữ hành đã đặt ra câu hỏi về cơ sở vật chất trên đảo như thế nào để họ yên tâm đưa du khách ra. Vì cơ sở vật chất hiện tại trên đảo chưa đáp ứng được. Có thể nói, với các đơn vị làm du lịch, vấn đề nơi ăn chốn ngủ của khách được họ đặt lên hàng đầu. Do đó đây là vấn đề được ưu tiên nhắc đến nhiều.
Hôm đó, có mặt tại buổi hội nghị, tôi chợt giật mình sau lời của ông lãnh đạo huyện phát biểu khi được các đơn vị hỏi về cơ sở vật chất trên đảo. Lời của ông, đại ý rằng, bây giờ vì Cồn Cỏ chưa phát triển mạnh về du lịch nên cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu. Thế nhưng, nếu sau này du lịch phát triển, khách ra đông thì sẽ có sự đầu tư xứng tầm, rồi sẽ có các khách sạn 3 sao, 4 sao. Lời của ông, có thể chỉ mang hàm ý là lời hứa, đại loại như “chúng tôi sẽ có sự đầu tư cho cơ sở vật chất nếu du lịch phát triển”. Nhưng trong một giây phút nào đó, vì... lỡ lời mà phát ra như vậy. Tôi cũng chỉ mong đó là một phát biểu...nhầm!
Đừng đi theo những vết xe phá vỡ quy hoạch
Giật mình là bởi trước đây, tôi đã từng có một thời gian ở Quảng Ngãi, nơi cũng có một hòn đảo giờ đang là điểm đến của khách du lịch. Thế nhưng, chính sự phát triển của du lịch nơi đây và công tác quy hoạch không bài bản đã và đang phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cảnh quan trên đảo Lý Sơn.
Với Lý Sơn, sự phá vỡ quy hoạch biểu hiện rõ ràng và hiển hiện rõ hàng ngày khi khách sạn với quy mô 3-4 sao mọc lên. Bên cạnh đó là các nhà nghỉ 3-4 tầng cũng không kém cạnh mọc lên như nấm sau mưa. Những mảnh bê tông thô kệch, khô cứng vô tư nằm chễm chệ bên những di tích, thắng cảnh. Sự phá vỡ quy hoạch của Lý Sơn đã đạt đến mức trong suốt thời gian dài báo chí lên tiếng; những cụm từ được báo chí nhắc đến "Lý Sơn - Thiên đường sắp mất", "Đảo Lý Sơn coi chừng phá vỡ quy hoạch", "Đảo Lý Sơn phát triển nóng: Nguy cơ phá vỡ cảnh quan, xâm hại di tích"...
Và rồi, trước tốc độ xây dựng nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch trên đảo, buộc vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao-Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phải làm công văn trình lên UBND tỉnh xem xét lại việc cấp phép cho các công trình và yêu cầu bảo tồn khẩn cấp, giữ nguyên hiện trạng đối với đảo Bé.
“Lý Sơn trước đây đẹp hơn nhiều, giờ ra đảo ở đâu cũng thấy bê tông cốt thép”- lời của một người dân địa phương nói với tôi, khi tôi hỏi thông tin về đảo này.
Nói qua để biết sự tồn tại song song giữa phát triển du lịch và giữ gìn những giá trị vốn có của một hòn đảo cần thiết và quan trọng đến mức nào. Việc Cồn Cỏ đang bàn tính đến chuyện phát triển du lịch, điều đó là đơn nhiên, là hướng đi đúng khi không thể để một hòn đảo như Cồn Cỏ ngủ vùi trong hoang lạnh. Nhưng việc phát triển sẽ đi theo chiều hướng như thế nào mới đúng, mới giữ gìn được những giá trị vốn có của nó.
Trong phòng truyền thống ở huyện đảo Cồn Cỏ có treo một tấm bảng ghi rõ “Bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cồn Cỏ trong tương lai”. Bảng quy hoạch Cồn Cỏ theo một chiều hướng hòa đồng với thiên nhiên, giữ gìn được những gì vốn có của nó. Bên cạnh những khu resort, những nhà nghỉ... được quy hoạch nằm khiêm tốn một góc dưới những tán cây, ngay cạnh bến cảng thì khu rừng hầu như vẫn được giữ nguyên. Nhưng, đó là chuyện của việc quy hoạch khi du lịch chưa phát triển đến mức quá tải. Bởi quy hoạch trên giấy thì ở đâu cũng giống nhau, chỉ khi đi vào thực tiễn mới biết được.
Không ai có thể đảm bảo rằng nếu như khi du lịch phát triển mạnh và cơ sở vật chất trên đảo không đáp ứng được và những khách sạn 3-4 sao mọc lên như lời vị chính quyền huyện nói thì việc Cồn Cỏ có nối gót Lý Sơn trong phá vỡ quy hoạch hay không thì không ai hay.
Lời cảnh báo và phòng bệnh vẫn không bao giờ là quá muộn và dư thừa khi những kết quả tồi tệ nhất vẫn chưa diễn ra. Minh chứng rõ nét nhất đó là "gã hàng xóm" Lý Sơn đang nóng chuyện phá vỡ quy hoạch, đó có thể là một bài học cho Cồn Cỏ sau này. Và, cuối cùng chỉ hy vọng Cồn Cỏ sẽ giữ được mình trong "cơn lốc" phát triển du lịch.