Nâng cao thu nhập cho dân
Chương trình do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ 11,7 triệu USD (trong đó vốn đối ứng 2 triệu USD) triển khai trong 3 năm (2015-2017) với mong muốn của phía bạn là làm cho người dân Quảng Trị ngày càng hạnh phúc hơn và Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
|
Chương trình mong muốn nông dân Quảng Trị luôn hạnh phúc |
Ông Nguyễn Huy, PGĐ Sở KH- ĐT Quảng Trị kiêm GĐ BQL Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị, cho biết mục tiêu là nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho người dân Quảng Trị trong vùng dự án. Đó là 7 xã hưởng lợi Cam Thủy (huyện Cam Lộ); Gio Phong (Gio Linh); Hải Thượng (Hải Lăng); Vĩnh Thành (Vĩnh Linh); Triệu Trạch (Triệu Phong); Thuận (Hướng Hóa); Mò Ó (Đakrông).
Tại hợp phần nâng cao thu nhập, qua 3 năm triển khai, đã tiến hành 62 dự án của 62 nhóm hạnh phúc tại các địa phương trên. Trong đó có 35 dự án nâng cao thu nhập cơ bản và đặc biệt, được triển khai tại 7 xã trên và 27 dự án nâng cao thu nhập dự phòng được triển khai mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh với 66,212 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phiếu, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho hay các mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt đầu tư cho người dân rất ý nghĩa. Nhiều gia đình nông dân đã dần thoát nghèo nhờ được làm đường giao thông nội đồng, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt...
Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, tại nơi được hưởng lợi là xã Cam Thủy, các dự án của Chương trình Hạnh phúc đã góp phần thay đổi đáng kể về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Người dân mong muốn chương trình được tiếp tục giai đoạn hai.
Trung tâm phục vụ nông nghiệp
Một trong những hợp phần trọng tâm có tính chất chiến lược là xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa Trường Trung cấp NN-PTNT Quảng Trị có cơ sở vật chất đồng bộ, trở thành trung tâm công nghệ sinh học, phục vụ chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng NTM bền vững.
Ông Lê Thiên Vinh, Phó Hiệu trưởng cho biết, hiện đã xây dựng nhà thí nghiệm kiêm giảng đường phục vụ cho 2 hoạt động, gồm nuôi cấy mô tế bào để cung cấp giống cây trồng, con nuôi tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, các trang trại... Sử dụng thế hệ máy móc, công nghệ hiện đại nhằm chẩn đoán sớm, phòng trừ bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản...
|
Nhà thí nghiệm và giảng đường được Hàn Quốc giúp đỡ xây dựng |
Nội dung thứ hai là xây dựng trang trại thực hành rộng 5 ha gồm chăn nuôi gà, heo, vịt, nuôi cá, trồng trọt... phục vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao cộng nghệ sinh học làm mô hình mẫu, đào tạo nghề cho nông dân. Xây dựng ký túc xá cho sinh viên ăn ở học tập, nghiên cứu.
Ngoài ra nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường đối với lao động nông nghiệp, nhất là xây dựng NTM; xây dựng trung tâm hỗ trợ, tìm kiếm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp, cung ứng lao động có tay nghề kỹ thuật cho thị trường lao động nông nghiệp chất lượng cao.
Tỉnh Quảng Trị và Chương trình Hạnh phúc mong muốn bằng các nghiên cứu khoa học thực tiễn và ứng dụng KHKT của trường sẽ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác hồ tiêu, cao su, cà phê, lúa, rau; hỗ trợ phân tích, kiểm nghiệm mẫu các bệnh phẩm phát sinh trên cây trồng. Từ đó giúp tỉnh xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Choi Eui Gyo, Giám đốc Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị - Việt Nam nói:
Chương trình mong muốn người dân sử dụng nguồn vốn làm động lực kết hợp với nội lực của chính mình để thực hiện dự án; tiếp nhận thành công các tiến bộ KHKT và học tập kinh nghiệm từ các điển hình thành công của Hàn Quốc về xây dựng NTM để áp dụng vào thực tiễn Quảng Trị. Từ đó, xây dựng mô hình SX tại địa phương, rồi nhân rộng ra các nơi khác, đúng như khẩu hiệu của Chương trình Hạnh Phúc Quảng Trị “Vì một Quảng Trị hạnh phúc hơn, vì một Việt Nam tươi đẹp hơn”.
|
LÂM QUANG HUY