Mong phán xét thượng tôn pháp luật 

Từ ngày 14 đến 21/8, TAND TP Đà Nẵng xét xử sơ thẩm lần thứ 4 vụ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất miền Trung, sau ba lần xử và trả hồ sơ để điều tra bổ sung vào cuối năm 2014, giữa năm 2016 và cuối năm 2017.

Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào chiều 23/8, hy vọng có một phán quyết thượng tôn pháp luật để kết thúc vụ án kéo dài đã gần 7 năm.

18-03-27_2108184
Tại tòa chiều 21/8, từ trái qua, Phó ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương và ông Hà Sỹ Đồng-Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Bản cáo trạng số 66/CT-VKSTC ngày 14/5/2018 của Viện KSNDTC, cáo buộc các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước 1.852.298.923 đồng. Theo đó, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Cty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) mở tờ khai hải quan, nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào, nộp thuế hơn 3,2 tỷ đồng. Hai ngày sau, Cty mở tờ khai ở cảng Cửa Việt để xuất khẩu cả lô gỗ sang Hồng Kông – Trung Quốc, qua cảng Đà Nẵng. Trên đường chở gỗ xuống tàu thì bị bắt giữ và khởi tố tội buôn lậu vào ngày 6/4/2012, vì cho rằng lô gỗ đến 614,672m3 và có lẫn gỗ giáng hương. Cáo trạng tính tiền thuế theo hai khối lượng gỗ (do Cty khai và theo giám định) ra con số chênh lệch, quy kết đó là số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt vợ chồng chủ Cty Ngọc Hưng là ông Trương Huy Liệu 12-14 năm, bà Trần Thị Dung 7-8 năm tù về tội “buôn lậu”; còn 3 nguyên công chức hải quan Đỗ Danh Thắng, Lê Xuân Thành, Đỗ Lý Nhi mỗi người 3-4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa diễn ra công khai và dân chủ. Qua tranh luận thẳng thắn, các luật sư cho rằng cáo trạng không chứng minh được hành vi phạm tội, đề nghị tòa tuyên các bị cáo vô tội, khôi phục quyền hợp pháp theo quy định pháp luật cho họ; trả cho Cty Ngọc Hưng lô gỗ theo giá thị trường.

Vấn đề mấu chốt ở chỗ, lô gỗ Cty Ngọc Hưng khai báo khi nhập và xuất khẩu là 535,8 m3, còn cáo trạng đưa ra con số giám định khối lượng gỗ 614,672m3 để buộc tội lại thiếu cơ sở pháp lý. Bởi cơ quan giám định lô gỗ là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp. Viện này giám định lần thứ nhất vào ngày 12/3/2012 ra khối lượng 413,598m3, lần thứ hai vào ngày 26/11/2012 lại ra 614,672m3 và điều tra lấy con số sau làm căn cứ buộc tội.

Vì con số giám định bất hợp pháp nên các tính toán căn cứ vào đó cho rằng, Cty Ngọc Hưng khai thiếu thuế GTGT khi nhập khẩu 772.189.773 đồng và thiếu thuế xuất khẩu 1.008.109.150 đồng cũng không có cơ sở pháp lý. Tại tòa, các giám định viên về thuế cho biết, họ chỉ giám định số thuế chênh lệch tính theo hai khối lượng gỗ (của Cty Ngọc Hưng và của giám định), chứ không kết luận Cty Ngọc Hưng khai thiếu thuế. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, lô gỗ của Cty Ngọc Hưng không phải nộp thuế nên nếu kê khai thiếu thì cũng không gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đặc biệt, lô gỗ vật chứng đã bị cơ quan điều tra bán đấu giá vào ngày 10/1/2014, với 63 tỷ 920 triệu đồng, trước khi VKSNDTC có cáo trạng lần thứ nhất (ngày 7/5/2014). Tại tòa, ông Liệu nhiều lần khẳng định, giá thị trường lô gỗ hơn 300 tỷ đồng. Việc bán đấu tra này trái luật. Ông Liệu xuất trình hai văn bản số 2259/VKSTC-V1 và số 1713/VKSTC-V1 cùng ngày 04/6/2018 do Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: “Qua nghiên cứu thẩm tra tài liệu hồ sơ của vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy, việc xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng, Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát Điều tra án An ninh đã có văn bản số 134/VKSTC-V1 gởi Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kèm tài liệu liên quan để thụ lý giải quyết và kết luận cụ thể”.

18-03-27_2108183
Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội

Các luật sư “kính đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu Cơ quan điều tra VKSNDTC khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý nghiêm minh đối với công chức vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi lại tài sản cho Nhà nước, cho doanh nghiệp”. Vị đại diện Viện kiểm sát tại tòa xác nhận lãnh đạo VKSNDTC đã có sự chỉ đạo và: “Ai vi phạm, vi phạm đến đâu, vi phạm như thế nào, Cơ quan điều tra VKSNDTC sẽ có trách nhiệm trả lời trước công luận”.

Gần 20 vấn đề được tranh luận qua nhiều vòng, nổi lên câu hỏi: cáo buộc theo luật pháp nước nào? Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, cáo buộc dựa theo luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, các luật sư và bị cáo lại dẫn chứng nhiều quy định hiện hành để khẳng định, cáo buộc không phù hợp với luật pháp nước ta. Luật sư Đỗ Ngọc Quang bào chữa cho ông Liệu nói: “Sự quy kết đối với hành vi làm giả các bộ hồ sơ, tài liệu và sử dụng các bộ hồ sơ này nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam và xuất khẩu lô gỗ này đi Trung Quốc không được quy định trong bất kỳ tội danh nào của Bộ luật Hình sự nước ta”.

Vụ án này cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, Quốc hội thực hiện quyền giám sát quá trình xét xử, cử nhiều đại biểu dự suốt phiên tòa. Ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nói với phóng viên: “Mong tòa xét xử độc lập, công tâm và vô tư để có phán quyết vì sự thượng tôn pháp luật Việt Nam và vì người dân”.

PHẠM DUY TƯƠNG
714 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1240
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1240
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172092