|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: TTXVN |
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tham dự đại hội có 261 đại biểu chính thức là cán bộ chủ chốt của 10 hội văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành Trung ương, 63 hội VHNT tỉnh, thành phố cùng các văn nghệ sĩ tiêu biểu, đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành VHNT.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước đã hình thành nên nền văn hoá Việt Nam lâu đời, đặc sắc, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn tin tưởng, coi trọng, chăm lo và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc và đất nước.
Suốt gần 73 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, mà tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng, biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, cũng như của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, đây cũng là dịp tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đến các thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã hi sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã lao động quên mình, cống hiến thầm lặng và để lại nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, góp phần làm phong phú và rạng rỡ cho nền văn hóa nước nhà.
Tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển
Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong dự thảo Văn kiện được Đại hội thảo luận; đồng thời cho rằng cần đặt lĩnh vực VHNT trong tổng thể chiến lược, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để từ đó hoạch định tầm nhìn và sứ mệnh, tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển.
Trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025, Liên hiệp cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Liên hiệp phải vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng. Liên hiệp phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Tổ chức hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng và sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đặt trên vai của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có thế hệ trẻ. Thực tiễn cho thấy, khi các tổ chức hội có sự quan tâm thích đáng đến thế hệ trẻ, có hạt nhân dẫn dắt sẽ có được những tài năng giàu triển vọng.
Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên hiệp xác định việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, giúp đỡ các tài năng trẻ làm khâu đột phá. Để làm được điều này, Liên hiệp cần có một kế hoạch rất cụ thể, khả thi và hiệu quả, tạo điều kiện để các tài năng trẻ được phát huy, thực sự vững vàng tiếp nối các thế hệ đi trước.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động giao lưu, quảng bá các giá trị VHNT Việt Nam ra nước ngoài và tiếp thu tinh hoa VHNT thế giới vào Việt Nam cũng cần được xem là một trọng tâm ưu tiên của nhiệm kỳ mới.
Đất nước hòa bình, thống nhất đã hơn 45 năm, vị thế đi trước mở đường hội nhập của VHNT cần phải tiếp tục được đặt ra và từng bước khẳng định; những giá trị truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc ta, khát vọng hòa bình và vươn lên mạnh mẽ của con người Việt Nam trong VHNT hôm nay cần phải được truyền tải đầy đủ, sâu sắc đến bạn bè năm châu. Trên cơ sở phát huy những hình thức, diễn đàn hiện có, Liên hiệp cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; phải quy tụ, phát huy tài năng, tâm sức và các nguồn lực tổng hợp để hướng tới hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Đoàn Chủ tịch khóa mới cần tranh thủ tối đa kinh nghiệm và đóng góp của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, nhanh chóng nắm bắt công việc, phát huy vai trò hạt nhân quy tụ đoàn kết của giới văn nghệ sĩ cả nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, lãnh đạo các hội VHNT chuyên ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối thông suốt và tin cậy giữa đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước với cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; các chủ trương, chính sách của Đảng về VHNT đã được kịp thời thể chế hoá thành hệ thống pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Liên hiệp cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ; xác lập các diễn đàn, cơ chế hiệu quả để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn Chủ tịch ra mắt Đại hội. Ảnh: TTXVN
|
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, hỗ trợ tối đa về điều kiện sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, con đường hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển của VHNT chính là cần tạo ra một cơ chế phù hợp. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tăng cường phối hợp với Liên hiệp và các tổ chức thành viên rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đội ngũ cán bộ quản lý VHNT cũng cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của lĩnh vực này, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ nước nhà, nền VHNT Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Đại hội đã thông qua kết quả hiệp thương danh sách Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 78 thành viên; danh sách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 27 thành viên; danh sách Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 -2025; thông qua kết quả bầu các Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo TTXVN