|
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: VGP/Thu Lê |
Ngày 22/3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018: Tháo gỡ khó khăn với sự phát triển của doanh nghiệp (DN)".
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Báo cáo lựa chọn chủ đề các rào cản phát triển đối với DN thông qua đánh giá thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến như: Khả năng tiếp cận vốn chính thức, chi phí lao động, chi phí cơ sở hạ tầng logistics, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan của các DN.
Theo Báo cáo, bên cạnh những kết quả khả quan của năm 2017, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều tồn tại và thách thức.
Trong đó, mặc dù môi trường kinh doanh có sự cải thiện, số lượng DN đăng ký tăng, nhưng khối DN nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Khoảng 98% DN đang hoạt động thuộc khu vực kinh tế tư nhân, trong đó đa số là DNVNN. Tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ tăng liên tục từ năm 2012, hiện chiếm đến 48% tổng DN”, báo cáo chỉ rõ.
“Tiếp cận tín dụng vẫn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất khiến DN khó phát triển. Ngoài nguyên nhân thủ tục vay phức tạp còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các DNNVV và các DN lớn”, PGS.TS. Tô Trung Thành, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo, ảnh hưởng dự kiến của việc tăng nền tính BHXH từ tổng lương và các khoản phụ cấp theo hợp đồng thành lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng được áp dụng từ năm 2018 sẽ khiến chi phí lao động của DN tăng lên 6,8%; đồng thời, lợi nhuận dự kiến giảm 11,4%. Tỷ lệ DN có lợi nhuận giảm đáng kể từ 63,2% xuống 40,6%. Trong đó, các DN có mức lợi nhuận thấp như DNNVV sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Là một tồn tại lớn, đã có nhiều chính sách cải cách nhưng chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản với DN. Trong lĩnh vực hải quan còn nhiều vấn đề trong kiểm tra chuyên ngành. Nổi bật nhất là sự chồng chéo trong quy định và phân công quản lý của các bộ quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, các quy định thường xuyên thay đổi cũng là nguyên nhân khiến các DN gặp khó trong tuân thủ thủ tục thuế quan.
Ngoài ra, “mặc dù tương đối đầy đủ về mặt số lượng nhưng cơ sở hạ tầng logistics chưa hiệu quả, khiến thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, trở thành ‘điểm nghẽn’ đối với quá trình tạo thuận lợi thương mại, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của DN”, Báo cáo cho biết.
Chính vì vậy, GS.TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN cần được coi là một ưu tiên chính sách. Muốn vậy, phải tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận và tăng chi phí tiếp cận vốn, lao động… và chi phí thực hiện các nghĩa vụ Nhà nước của DN.
“Ưu tiên chính sách trên cũng phù hợp với trọng tâm chính sách hiện nay của Chính phủ, đó là quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hàng loạt các Nghị quyết quan trọng”, ông Trần Thọ Đạt khẳng định.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngoài những khó khăn đã được nói đến trong báo cáo, thực tế, chi phí tuân thủ còn rộng hơn nhiều. Đơn cử như những điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm từ 30-50%, nếu làm được, chi phí tuân thủ của DN sẽ giảm đi đáng kể.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những cải cách của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
“Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 lên vị trí 55/137 nền kinh tế. Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, Chỉ số đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ, hiện đạt vị trí 86/190 quốc gia. Một số bộ, ngành tích cực cắt giảm các điều kiện kinh doanh gây cản trở cho DN”, ông Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, còn có khoảng cách giữa những kết quả và mục tiêu đặt ra, phạm vi cải cách còn hẹp. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là một thách thức lớn nếu trong mỗi năm tới chỉ có khoảng 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
“Thông điệp của Chính phủ như vậy cũng là rõ và đủ rồi, giờ cần có hành động cụ thể. Hành động này phải đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thu Lê