Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 2/11.
|
Toàn cảnh Hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Triển khai thực hiện từ năm 2014, Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thông qua việc ban hành các Nghị quyết 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, có nhiều chỉ số đặt ra vẫn chưa cải thiện được. Đây là thời điểm cần xem xét và đánh giá lại những kết quả đạt được và những gì chưa đạt được để có những cách thức đổi mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19 trong năm 2019.
Thông tin về mục tiêu của Nghị quyết 19 qua 5 năm thực hiện, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh (CIEM) cho biết, năm 2014, Nghị quyết 19 xác định đến hết 2015 Việt Nam sẽ đạt ASEAN 6 trên 5 chỉ tiêu của môi trường kinh doanh theo Doing Business. Sang năm 2015, 2016, 2017 và 2018, Nghị quyết 19 xác định mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu của Doing Business. Riêng năm 2018, chúng ta đặt thêm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch.
Trong 5 năm qua, thứ hạng các yếu tố môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi sau khi thực hiện Nghị quyết 19. Trong năm 2018, tuy môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc so với 2018 nhưng 8/10 chỉ số của Việt Nam lại cải thiện về điểm tuyệt đối như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng…
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho biết, từ năm 2014, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2014 chúng ta xếp hạng thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68 và 2018 là 69. Trong đó, hiệu quả logistics được cải thiện nhiều nhất trong thập niên vừa qua, từ xếp hạng 53 năm 2007 lên 39 năm 2018.
“Tuy đã có sự cải thiện nhưng hầu hết chưa đạt trung bình ASEAN 4 như mục tiêu đề ra". Về cải cách điều kiện kinh doanh, bà Thảo cho rằng thời gian qua đã có 15 nghị định được ban hành. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm”, bà Nguyễn Minh Thảo.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019.
Cụ thể chỉ số này đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, như vậy tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017. Nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018 thì có 2 cải cách thuộc Chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, gồm: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, thực hiện trong 25,9 ngày.
Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay.
Bộ Tài chính cần bảo đảm chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành.
Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh.
“Về lâu dài, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục Đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh, việc liên thông điện tử này không chỉ giúp DN tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường”, bà Trần Thị Hồng Minh nói.
Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Ban cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính) cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về chính sách và Luật Quản lý thuế, thực hiện thuế dựa trên rủi ro.
“Cần sửa đổi chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; đồng thời, mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cho các đối tượng khác; triển khai thực hiện dịch vụ hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực”, bà Lan Anh nói.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế cho rằng, cần hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế; phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Anh Minh