Trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới – Singapore (số 2) và Đặc khu Hành chính Hongkong, Trung Quốc (số 4). Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Malaysia cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong tốp 20, tăng 9 bậc lên vị trí 15.
Bắc Kinh và Thượng Hải đã cải thiện việc cấp điện dễ dàng hơn nhờ mở rộng mạng lưới điện và miễn phí kết nối điện. Việc sử dụng một ứng dụng di động mới cho khách hàng cũng giúp giảm thời gian cấp điện xuống còn 34 ngày so với 143 ngày trước đây. Nộp thuế được thực hiện dễ dàng hơn nhờ việc bãi bỏ thuế doanh nghiệp, cho phép kết hợp nộp hồ sơ và thanh toán các khoản thuế, và thực hiện một số cải cách hành chính để giảm thời gian thực hiện thủ tục.
Trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, quá trình xin giấy phép và đăng ký một tòa nhà mớiđược sắp xếp hợp lý và các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cũng được cải thiện. Trung Quốc cũng tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thiểu số bằng cách tăng quyền và vai trò của các cổ đông trong các quyết định của công ty lớn, làm rõ quyền sở hữu và cơ cấu kiểm soát, và yêu cầu bồi hoàn chi phí pháp lý của cổ đông. Các cải cách khác ở Trung Quốc bao gồm thành lập doanh nghiệp, thương mại qua biên giới và đăng ký tài sản dễ dàng hơn.
Với 6 cải cách, Malaysia đã giảm sự rườm rà trong cấp phép xây dựng bằng cách hợp lý hóa quy trình cấp phép, giúp thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn với việc áp dụng hệ thống đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ trực tuyến (GST). Nước này cũng đã thực hiện cải cách ở những khu vực khác, bao gồm việc đưa vào sử dụng nền tảng một cửa trực tuyến giúp chuyển giao tài sản trở nên đơn giản hơn và giúp các công ty dễ dàng giải quyết các thủ tục phá sản.
Indonesia và Việt Nam được ghi nhận thực hiện 3 cải cách trong năm qua. Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp. Còn Indonesia, các cải cách nhằm giảm bớt quy trình thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và cải thiện tiếp cận tín dụng.
Tuy vậy, Việt Nam tụt 1 bậc trong Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh theo báo cáo này, từ 68 xuống 69 trên 190 nước trong bảng xếp hạng, mặc dù điểm tổng của Việt Nam tăng từ 66,77 lên 68,36 và năm vừa qua.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phân tích: Sau khi tụt 3 bậc trong Chỉ số cạnh tranh quốc gia của WEF cách đây 2 tuần, Việt Nam tiếp tục tụt 1 bậc trong Doing Business lần này.
“Trong các thước đo của WEF và WB, năm nay Việt Nam đều tụt hạng, đòi hỏi các cải cách trong nước cần mạnh mẽ và thực chất hơn", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Anh Minh