Ngày 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Tình hình thực hiện cổ phần hoá còn chậm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”, các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2019, mới có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định trên. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 doanh nghiệp, chiếm tới 71%.
Về tình hình cổ phần hóa, 9 tháng năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Dù vậy trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lũy kế giai đoạn 2016 – 9/2019, có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên trong đó, chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Thực trạng trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn rất chậm.
Về tình hình thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 – 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc tổ chức thực hiện công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian qua vẫn còn nhiều chậm trễ. Nguyên nhân do nhiều Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa khẩn trương xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với các DNNN theo Quyết định số 707/QĐ-TTg và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn tới việc không thể triển khai các công việc tiếp theo như: cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi quản trị doanh nghiệp để thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đặc biệt, cần tìm ra giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
“Chúng ta đang thực hiện định hướng chiến lược trong kinh tế. Đó là kinh tế đa dạng thành phần, bình đẳng trước pháp luật. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ thực trạng tiến hành đổi mới DNNN thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, những kết quả bước đầu đã góp phần chống trì trệ, thất thoát, chống tham nhũng. Hiệu quả hoạt động của DNNN được cải thiện hơn, đồng thời thể hiện vai trò chủ đạo trên một số lĩnh lực, góp phần cho chỉ đạo kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, việc đổi mới DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Trong đó, phương án cổ phần hoá mới chỉ đạt 28-29% kế hoạch; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn vẫn còn bất cập. Tốc độ tăng doanh thu có tăng lên nhưng tốc độ thu hút đầu tư phát triển mới thấp hơn khu vực ngoài nhà nước.
Đặc biệt là các vấn đề về tái cơ cấu, thoái vốn, công tác đào tạo cán bộ có năng lực vẫn còn nhiều hạn chế. Một số hướng dẫn thể chế hóa, vấn đề về đất đai còn chậm trễ.
Thủ tướng khẳng định, sự lớn mạnh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là kỳ vọng của Đảng ta, là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà nước ta đang đặt ra trong phát triển đất nước. Trước thách thức của thời đại mới, cạnh tranh khốc liệt, biến động nhanh của thị trường trong nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đổi mới, đảm bảo vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh hiệu quả hơn. Đặc biệt cần kiện toàn nâng cấp bộ máy điều hành; nâng cao tính tự chủ, tự lực, đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần chủ động hội nhập vươn ra cạnh tranh quốc tế, trong đó, lấy thị trường nội địa làm bàn đạp để tham gia cạnh tranh với toàn cầu. Đồng thời, cần nhanh nhạy, kịp thời trong xử lý thông tin, khắc phục yếu kém để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Các Tập đoàn, Tổng công ty cần góp phần tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo an ninh cho kinh tế về năng lượng, lương thực, bảo vệ môi trường,... DNNN phải nắm bắt một số vấn đề chiến lược, mang tính dẫn dắt, đi đầu./.
BT