Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn chính sách “Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc hướng tới tuyển dụng công bằng và việc làm bền vững đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức ngày 18/6, tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý; ông Chang – Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; ông Michael R.DiGregorio, Trưởng đại diện của TAF tại Việt Nam cùng đại diện người lao động từng đi làm việc tại nước ngoài.
Hội thảo tham vấn chính sách “Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc hướng tới tuyển dụng công bằng và việc làm bền vững đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài” được tổ chức nhằm đánh giá các kết quả, thực trạng và phân tích các cơ hội cho việc thay đổi chính sách và các hoạt động thực tiễn giúp tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong việc hướng tới tuyển dụng công bằng và việc làm bền vững đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ họ tái hòa nhập thị trường lao động trong nước khi trở về.
Hội thảo cũng hướng tới nâng cao hơn nữa nhận thức, thái độ, sự quan tâm và phối hợp của các bên có liên quan trong việc hỗ trợ đảm bảo các quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về bảo vệ quyền của lao động di cư và gia đình họ năm 1990.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý khẳng định, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể hóa bằng luật pháp. Hiện Việt Nam có khoảng 500 nghìn người đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, riêng năm 2017 đã có khoảng 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gửi về xấp xỉ 3 tỉ USD. Như vậy, ngoài việc mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn có đóng góp cho phát triển kinh tế ở cả quốc gia tiếp nhận cũng như tại quốc gia có người đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn. Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, Công đoàn Việt Nam rất quan tâm đến việc làm, thu nhập và quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo sự tuyển dụng công bằng cũng như việc làm bền vững đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tái hội nhập thị trường lao động trong nước khi người lao động kết thúc hợp đồng ở nước ngoài trở về.
Trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã chủ động hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động đi làm việc ở các nước trên; đồng thời phối hợp với các cơ quan của nhà nước phụ trách về vấn đề lao động và các tổ chức phi chính phủ khác trong việc hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của ILO và TAF, hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong lĩnh vực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động làm việc ở nước ngoài càng được tăng cường - ông Trần Văn Lý cho biết.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Chia sẻ quá trình lao động vất vả tại nước ngoài, chị Triệu Thị Thiết (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết, để được đi xuất khẩu lao động, gia đình chị đã phải đi vay mượn gần 260 triệu đồng để nộp các khoản phí (trong đó có khoản tiền đặt cọc 3.000 USD) cho công ty. Tháng 9/2012, chị sang Nhật làm thực tập sinh với ngành nghề là đúc nhựa.
“Khi sang nước bạn lao động thì sự thật khác xa với những lời quảng cáo của công ty đưa tôi đi xuất khẩu lao động. Lương thực lĩnh của tôi là 26 triệu đồng/tháng, làm 10 tiếng/ngày chứ không như lời của nhân viên công ty là lương 33 triệu đồng/tháng, làm 8 tiếng/ngày. Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập với văn hóa nước sở tại nên trong quá trình làm việc, tôi đã bị đổ lỗi. Khi đó, tôi không biết nhờ cậy vào ai, tổ chức nào để giải thích cho chủ sử dụng lao động và bảo vệ quyền lợi của bản thân. Lo lắng bị chấm dứt hợp đồng, dẫn tới không có tiền trả nợ, tôi đã bỏ trốn ra ngoài và làm nhiều việc khác để mưu sinh và kiếm tiền. Năm 2016, tôi về nước” - chị Thiết nói.
Từ những trải nghiệm của mình, chị Thiết khuyến cáo với những người lao động có ý định đi xuất khẩu lao động cần phải tìm hiểu kỹ thông tin và tìm tới những doanh nghiệp có uy tín. “Đặc biệt, tại các nước có đông lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động rất cần có tổ chức như công đoàn để hỗ trợ, bảo vệ, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động”, chị Thiết bày tỏ nguyện vọng.
Minh Châu