|
Ảnh: VGP/Mạnh Hưng |
Khó kiểm soát clip, video xấu, độc trên nền tảng xuyên biên giới
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, cho biết, theo rà soát của Cục, trên nền tảng YouTube đang chia sẻ 55.000 video, clip có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật, phát tán tin giả. Mặc dù YouTube đã phối hợp gỡ bỏ 8.000 clip xấu, độc theo đề nghị của Bộ TT&TT nhưng theo đánh giá của ông Lâm, số lượng này đang gia tăng rất nhanh. Ước tính, cứ 1 phút sẽ có khoảng 400 clip được đẩy lên YouTube.
Điều đáng nói là quá trình rà soát các video, clip xấu, độc chỉ là "quá trình thụ động, không hiệu quả, vì chỉ đến khi báo YouTube thì họ mới gỡ, trước khi gỡ còn phải tranh luận, thảo luận rất nhiều. Mặt khác, YouTube chỉ gỡ từng clip, không gỡ cả link vi phạm nên không hiệu quả", ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Ông Lâm cũng thông tin, các YouTuber Việt Nam còn chủ động vi phạm để kiếm tiền. “Việt Nan đứng đầu thế giới về kiếm tiền trên YouTube thông qua các tin xấu, độc“. Mặt khác, YouTube còn có tính năng gợi ý kênh hay được truy cập, nhưng không có phân biệt kênh xấu, độc nên sự phát tán rất mạnh mẽ.
Theo đại diện của công ty TNHH truyền thông WPP - một đại lý quảng cáo chiếm hơn 50% quảng cáo của Việt Nam trên YouTube, hiện tại, họ không thể ngăn chặn được các clip xấu, độc đính kèm các quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới này vì quyền quản lý thuộc về Google và YouTube. Mặc dù, họ vẫn đang cố gắng sàng lọc những thông tin xấu độc để tư vấn cho khách hàng, nhưng chưa có công cụ kỹ thuật nào để nhận dạng và ngăn chặn clip xấu, độc.
Đại diện cho DN nội dung số của Việt Nam, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty VNG Corporation cho biết, chúng ta không có bất kỳ sự kiểm soát về mặt nội dung quảng cáo trên nền tảng YouTube và Google.
“Hôm nay, YouTube hay Google có thể gửi 2.000 kênh đưa vào danh sách đen không quảng cáo được. Nhưng họ lại cho phép bất kỳ người nào trên thế giới đều có thể đẩy lên, vì vậy, để biết nội dung tốt hay không tốt thì chỉ có người xem mới biết. Bài toán này chưa được giải quyết”, CEO của VNG chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cũng cho biết, nguyên nhân dẫn tới các sai phạm khi quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới còn do chính các DN có nhu cầu quảng cáo hiện nay chưa có thói quen trả tiền cho nội dung sạch. Một lỗi nữa là từ chính các DN nội dung số như Vccorp chưa phân tích được các clip phục vụ cho nhóm đối tượng nào. Vấn đề ở đây là cần tập trung vào chất lượng view, chứ không phải số lượng view như các DN có nhu cầu quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới đang hiểu. Hiện nay, một số hãng lớn đã bắt đầu mua dịch vụ quảng cáo tốt và trả phí lớn hơn rất nhiều.
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Không thể trông mong mãi vào người khác
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có được công cụ để lọc các clip xấu độc là rất quan trọng, nó như một vũ khí bảo vệ đất nước. Hiện nay, không chỉ Việt Nam đang gặp phải bài toán này mà nước Mỹ cũng thế. Vì vậy, chúng ta cần có "vũ khí" này mà không thể trông mong mãi vào lòng tốt của Google và YouTube. Các công ty công nghệ của Việt Nam phải sản sinh ra các công cụ giám sát không gian mạng Việt Nam, đây chính là công cụ bảo vệ tổ quốc. Chúng ta phải đầu tư, phải tự làm.
"Chúng ta cần hợp sức, đồng thuận thì làm gì cũng được, vì chúng ta có luật pháp trong tay, có chính quyền trong tay, có lực lượng trong tay, thì không thể không làm được. Cả đất nước, tương lai con cháu chúng ta không thể chỉ trông mong vào sự tốt bụng của một DN nào đó, của một ai đó. Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định. Chúng ta cần tìm cách tiếp cận mới cho các vấn đề khó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các DN trong nước phải gương mẫu tuân thủ luật pháp Việt Nam để Việt Nam phát triển, đồng thời kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới.
“Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở lên giàu có, thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các DN xuyên biên giới mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. Không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu. Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khách hàng, nhưng lại đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn các nội dung xấu, độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu những người Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu, độc. Vấn đề này, Ngân hàng nhà nước đang hợp tác với Bộ TT&TT để giải quyết trong thời gian ngắn tới đây.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng kêu gọi các nền tảng nội dung số Việt Nam phải lớn mạnh để phục vụ xã hội Việt Nam tốt hơn. Chính phủ sẽ tạo ra môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, trong nước và nước ngoài. Zalo, Mocha, VCCorp... phải lớn mạnh hơn. Bộ TT&TT có hẳn một cơ quan hỗ trợ sự phát triển này, các bạn có thể gặp gỡ, trao đổi, đề xuất các chính sách hỗ trợ.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan phải cùng nhau hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng (như sử dụng mạng xã hội có danh tính, mạng xã hội phải đóng thuế, tuân thủ pháp luật...). Muốn lành mạnh thì phải kết hợp giữa pháp luật và giáo dục.
Thuý Hà