|
Tình trạng nhiều F0 chen chúc xếp hàng chờ lấy xác nhận tại Trạm Y tế phường Định Công, chiều 28/2. |
Trong những ngày qua, số ca F0 tại Hà Nội đã tăng vọt. Ngày 27/2 có 11.517 ca; ngày 28/2 có 12.850 ca; ngày 1/3 có 13.323 ca… Số ca liên tục tăng cao nhưng để được công nhận F0, mỗi nơi ở Hà Nội lại đang có một cách làm khác nhau. Có nơi hướng dẫn người dân ra trạm y tế test nhanh COVID-19 và làm hồ sơ, gây nên tình trạng xếp hàng cả buổi chờ lấy mẫu xét nghiệm, quá tải tại trạm y tế; có nơi chỉ cần thực hiện online hoặc tự test nhanh rồi thông tin lên...
Đơn cử như tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, những ngày qua đã xảy ra tình trạng người dân tập trung xếp hàng xin xác nhận F0 kéo dài. Trong khi đó, tại phường Mai Động, người dân tự test nhanh dương tính SARS-CoV-2 được yêu cầu đến trạm y tế phường để xét nghiệm lại. Tại quận Nam Từ Liêm, người dân tự test nhanh tại nhà dương tính, bên cạnh việc đến Trạm y tế phường để xét nghiệm lại, có thể lựa chọn phương án tự quay video quá trình tự test tại nhà và gửi cho cán bộ y tế có thẩm quyền…
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước, người lao động điều trị COVID-19 tại nhà lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Vì khi người bệnh tự điều trị tại nhà thì các nhân viên y tế cấp xã lại không đủ thẩm quyền và không dám ký vào Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trong trường hợp nhân viên đó ký thì cơ quan BHXH cũng không chấp nhận, nếu không đủ các điều kiện sau: Được sự ủy quyền của các đơn vị liên quan, có chứng chỉ hành nghề và đăng ký chữ ký với cơ quan BHXH…
Theo quy định của Bộ Y tế, người dân có thể được xác định là F0 khi thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 và được nhân viên y tế giám sát gián tiếp thông qua các phương tiện từ xa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất được việc cấp giấy xác nhận F0 và các quyết định liên quan cho người mắc COVID-19 mà tùy vào tình trạng thực tế và nguồn lực của từng địa phương mà có những cách làm khác nhau. Do đó khi số ca F0 trên các địa bàn tăng nhanh mỗi ngày, một số địa phương đã thực sự tỏ ra lúng túng, bị động trong khâu kiểm soát xin giấy xác nhận nhiễm COVID-19 hoặc đã âm tính trở lại. Điều đó không chỉ khiến tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, mà còn gây khó khăn, đảo lộn cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, hiện nay số ca F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ chủ yếu, tới 96%. Chúng ta chưa cần bàn đến thái độ làm việc của các nhân viên y tế cơ sở, chỉ xét về mặt cơ học mỗi trung tâm y tế có khoảng 10 nhân viên thì làm sao có thể phục vụ kịp cho khoảng vài trăm trường hợp F0 từ nhu cầu tư vấn, theo dõi cho đến điều trị tại nhà… Vì thế, nhiều trạm y tế phường đang rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến việc khó đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Điều này sẽ phát sinh những hệ lụy rất phức tạp, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Các chuyên gia y tế cho rằng, trước thực tế này, các địa phương cần thống nhất phương thức tiếp nhận và quản lý F0 trên địa bàn để tránh mỗi nơi một quy định như hiện nay. Mặt khác, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng sửa quy định về chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để người lao động không bị thiệt thòi.
Bởi thẳng thắn mà nói, khi chúng ta “mở cửa” để “sống chung” với dịch thì việc số ca F0 tăng cao ở các địa phương là điều không thể tránh khỏi. Song, ngay từ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ đã bao gồm sự chỉ đạo “mở cửa” như thế nào rồi. Mà với cách hành xử mỗi địa phương một kiểu như thế này thì sự thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 sẽ như thế nào khi F0 phải chạy khắp nơi lo giấy tờ?
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần phải thiết lập, áp dụng công nghệ thông tin để trường hợp F0 có chứng nhận online, không phải đến cơ sở y tế, tránh lây lan dịch bệnh. “Với những F0 cách ly, điều trị tại nhà, chúng ta phải ưu tiên hệ thống y tế cơ sở, tạo điều kiện để khi F0 liên hệ được tư vấn, điều trị và phòng, chống dịch cho cộng đồng.” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Nhưng để làm được điều đó, thiết nghĩ, các địa phương phát huy mạnh mẽ phương châm “4 tại chỗ", trong đó phải tăng cường vai trò người đứng đầu chính quyền các cấp, huy động thêm các đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở, lực lượng thanh niên, phụ nữ... để kịp thời bổ sung thành phần các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà… Các địa phương cần phân vai rõ các quy trình tư vấn, chia sẻ kiến thức phòng, chống dịch bệnh, các dấu hiệu, triệu chứng, đầu mối liên hệ, tư vấn, chăm sóc, khai báo… để kịp thời phối hợp với cán bộ y tế xử lý các tình huống phát sinh. Có như vậy, các khó khăn, vướng mắc mới nhanh chóng được giải quyết…, và thực trạng mỗi địa phương một kiểu mới chấm dứt được./.