Mỗi địa phương đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm 

(ĐCSVN) – Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng tiểu ban Kinh tế - xã hội, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đại hội XIII của Đảng khi chủ trì buổi làm việc với thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô diễn ra chiều 23/4 tại Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Tiểu ban Kinh tế - xã hội, trong đó có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam...

Đại diện thành phố Hà Nội có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND 12 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô.

Hoạt động này nằm trong chương trình làm việc của Tiểu ban nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng đã báo cáo với đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - xã hội về những kết quả nổi bật đạt được, những vận dụng sáng tạo, mô hình mới thành công, kinh nghiệm trong phát huy vai trò Thủ đô và liên kết vùng; những khó khăn, điểm nghẽn cần tháo gỡ; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá cần có trong Chiến lược Phát triển kinh tế -xã hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước trong 5 năm, 10 năm tới.

Thay mặt thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trình bày báo cáo đánh giá thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011-2020 của thành phố. Theo đó, Hà Nội đã xác định trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển đã thể hiện được đầy đủ các mục tiêu của quốc gia và có một số đặc thù do đặc điểm kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong đó hầu hết các chỉ tiêu đều cao hơn mục tiêu của quốc gia. Các khâu đột phá trong các văn kiện được cập nhật theo thời gian, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô, bám sát tinh thần của 3 đột phá chiến lược. Kết quả, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7,34% (cách tính cũ), gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong 3 năm tiếp theo (2016 – 2018), GRDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng năm sau cao năm trước, bình quân đạt 8,47%; dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,54%. Đóng góp của Hà Nội đạt 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách cả nước…

Báo cáo thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; 6 nhóm kiến nghị, đề xuất.

Đáng chú ý, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm trình Quốc Hội xem xét, thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và tạo sức lan tỏa cho các tỉnh lân cận như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Trường Đại học Quốc gia (tại Hòa Lạc); Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Dự án mở rộng và nâng cấp cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Tích

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, báo cáo và ý kiến của các địa phương cho thấy sự thẳng thắn, chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều vấn đề báo cáo sâu đúng yêu cầu của Tiểu ban. Đây là những tư liệu tốt giúp Tiểu ban tổng kết, xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Theo Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2011-2020 của các địa phương đạt kết quả tốt, khá toàn diện, đều tăng trưởng cao, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều địa phương vượt mục tiêu. Quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ nét. Các địa phương quan tâm chăm lo an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách người có công, xoá đói, giảm nghèo, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm lo bảo vệ môi trường... Nguồn lực được xã hội hoá mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị đổi thay rất nhiều so với trước. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả nổi bật, ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một điểm chung của các địa phương là đều xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ, phát triển doanh nghiệp tư nhân...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-xã hội cho rằng, quá trình thực hiện Chiến lược còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Quy hoạch phát triển, hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương. Phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, bất cập về bộ máy... Bên cạnh trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, còn có trách nhiệm của các địa phương liên quan đến tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Ghi nhận các góp ý, Thủ tướng nhất trí cho rằng, xét cho cùng mục tiêu phát triển là vì con người, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tiếp tục phát triển toàn diện 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; do con người, vì con người, lấy con người làm trọng tâm trong mô hình phát triển mang tính bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tập trung chăm lo cho xây dựng nông thôn, miền núi; không chỉ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới mà cần tập trung xây dựng nông thôn kiểu mẫu; thực hiện các chỉ tiêu thực chất, không hình thức; tích cực phân cấp, giao quyền; đi tắt, đón đầu khoa học công nghệ; phát triển mạnh hạ tầng bảo đảm liên thông, đa dạng, thông minh; kết nối chặt chẽ vùng miền trong phát triển; chăm lo dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm kỷ cương ngân sách...

Đối với một số vướng mắc cụ thể mà các địa phương nêu ra,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp thu và tập trung giải quyết. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thông báo công khai kết quả giải quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tránh dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại, tập trung phát triển kinh tế-xã hội hội địa phương mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước./.

Thu Hà

446 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1383
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1383
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87171290