Mốc son chói lọi nhất của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Người nêu rõ: Chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối trong một mặt trận dân tộc thống nhất và đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.

Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, ngày 18/11/1930, Hội Phản đế Đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất ra đời đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp quần chúng, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu trong một thập kỷ, là sự cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc gắn phong trào yêu nước Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Tháng 3/1938, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương; tiếp đó là thay đổi các tên gọi như Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940); Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (1941); Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946); Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1951); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955); Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960).

Trong những ngày đầu vận động thành lập tổ chức Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người: “Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng lớn mạnh, phải đoàn kết. Phải biết đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Các chú phải tuyên truyền làm cho từng người giác ngộ, phát động lòng yêu nước căm thù giặc, xây dựng tổ chức Việt Minh thật vững mạnh”(1).

Ðại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ khi thành lập, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn coi trọng việc tăng cường củng cố, xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cuộc khởi nghĩa đó đã mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Sức mạnh dân tộc của Việt Nam được phát huy mạnh mẽ và triệt để trên cơ sở tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh do chính Người sáng lập và lãnh đạo. Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó, kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng. Kết quả là chỉ với hơn 5.000 đảng viên và hơn 20 triệu đồng bào đã kết thành một khối, dân tộc ta đã làm một cuộc cách mạng long trời, lở đất, lật nhào chế độ phong kiến hàng nghìn năm, bẻ gẫy xiềng xích nô lệ ngót 100 năm của chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đúng như tiên đoán của Bác Hồ trong lịch sử diễn ca: “Nay ta đã có Việt Minh/Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh, sự nghiệp hoàn thành”(2).  

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những cuộc kháng chiến ác liệt nhất, đầy hy sinh, gian khổ nhất, song cũng hào hùng nhất, oanh liệt nhất. Với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đưa cả nước bước sang một kỷ nguyên mới, hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này, nhân dân ta đã quét sạch bọn đế quốc xâm lược, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với vai trò hết sức to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong những mốc son chói lọi nhất, tô thắm truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam 91 năm qua, góp phần làm cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân, góp phần cùng Đảng và dân tộc ta làm nên những trang sử hào hùng nhất, vẻ vang nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những bài học lịch sử ông cha để lại, kinh nghiệm của cách mạng thế giới, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với luận điểm của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, từ thực tế cách mạng nước nhà đã sớm giúp Bác Hồ nhận ra vai trò quan trọng của tổ chức Mặt trận… Người đã khẳng định: “Cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, “muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết phải tập hợp cho được lực lượng cách mạng toàn quốc”(3). Muốn giải phóng dân tộc, nhất định phải phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả dân tộc. Vì thế, Người cũng chỉ rõ “Cách mệnh là việc chung của dân chúng” và phải tổ chức “khối đoàn kết rộng rãi nhất, chưa từng có trong phong trào giải phóng dân tộc”.

Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế và lực mới. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội, mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật, dần đi vào cuộc sống. Thời gian gần đây, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước. Song, các tầng lớp nhân dân đã cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng hướng mạnh về địa bàn dân cư, cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai ngày càng đi vào cuộc sống, gắn bó với nhân dân và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu giúp những người gặp khó khăn, hoạn nạn và thiên tai; các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường..., có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân rất vui mừng là từ sau Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực từng bước được ngăn chặn hiệu quả. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hoan nghênh và tăng niềm tin trong dân. Đồng thời, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) được Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng, đã làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người càng thấm sâu vào tâm thức của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư.

Để đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng thật sự là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hãy nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động tập hợp. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng hai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Ngày vì người nghèo, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc,... Chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc, chức sắc tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Củng cố, kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp.

 “Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” - tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hiệu triệu vang vọng trong trái tim của mọi người Việt Nam yêu nước để phát huy truyền thống đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, chung lòng cùng toàn Ðảng và toàn dân ta vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Thanh Hoàng

429 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 613
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 613
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76374686