|
Ảnh minh họa |
Để chuẩn bị cho công tác này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hoàn thiện Đề án thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện và trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội cấp xã giám sát việc chi trả của cơ quan bưu điện để bảo đảm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng “đúng kỳ - đủ số tiền - đến tận tay đối tượng hưởng chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng”. Đồng thời, kịp thời giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc, nếu có, và thanh quyết toán theo đúng quy định.
Hiện nay, hàng tháng, ngành bưu điện thực hiện chi trả hơn 170 tỉ đồng cho khoảng 115 nghìn đối tượng tại 6 địa phương gồm: Quảng Nam, Đắk Nông, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Trước đó, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, UBND xã và cán bộ chi trả tại địa phương. Nhằm đổi mới công tác chi trả này với phương thức hiện đại hơn, từ tháng 8/2015 tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên đã áp dụng chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng thông qua bưu điện. Đến tháng 6/2017, việc thí điểm chi trả theo hình thức mới đã được triển khai tại 6 tỉnh trên.
Qua khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá mức độ hài lòng về việc chi trả qua hệ thống bưu điện tại các địa phương cho thấy, hơn 90% đối tượng thụ hưởng đều bày tỏ hài lòng về việc nhận chế độ chính sách theo phương thức mới qua hệ thống bưu điện.
Nếu tính bình quân thời gian chi trả là 5 phút/1 đối tượng, thời gian nhận tiền, chuẩn bị tiền và thực hiện các chứng từ thanh quyết toán là 16h/1 xã, phường (2 ngày làm việc), thì với việc thực hiện chi trả qua bưu điện, hàng tháng tại 6 địa phương đang triển khai thí điểm sẽ tiết kiệm được hơn 2500 ngày công (tương đương 120 lao động) phục vụ cho công tác chi trả tại xã, phường. Nếu tính trên cả nước, hàng năm sẽ tiết kiệm được hàng trăm nghìn ngày công, với hàng nghìn lao động phục vụ cho công tác chi trả tại các xã, phường.
Như vậy, với việc mở rộng thí điểm này, từ 1/1/2019, sẽ có 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công qua bưu điện.
Tuệ Văn