Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức thông tin tại họp báo hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn năm 2019 (ngày 4-4).
Theo ông Tô Đức, “kết quả thí điểm ban đầu đã có 6.650 người khuyết tật, nạn nhân bom mìn đăng ký vào hệ thống.Với phần mềm này, nạn nhân bom mìn, người khuyết tật không cần đến chính quyền cấp xã, mà có thể ngồi ở nhà đăng ký các thông tin cá nhân, đặc điểm khuyết tật, hoàn cảnh sinh kế, chính sách phúc lợi đã được hưởng. Đồng thời qua đó có thể đề đạt mong muốn hỗ trợ như phục hồi chức năng, vay vốn, học nghề, sản xuất kinh doanh..”
“Phần mềm bảo đảm sự cập nhật thông tin liên tục kịp thời về nạn nhân bom mìn và gia đình. Đây là căn cứ đầu tiên để cấp xã thẩm định xác minh thông tin và tiến hành thủ tục cấp giấy xác nhận khuyết tật với nạn nhân bom mìn. Vì giấy xác nhận khuyết tật là cơ sở để giải quyết các cơ chế chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đồng thời căn cứ trên thông tin trong phần mềm đánh giá chính xác nhu cầu nạn nhân bom mìn, cơ quan LĐ-TB&XH ở địa phương sẽ đánh giá, lập danh sách nhu cầu của nạn nhân bom mìn, kết nối với các tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của nạn nhân kịp thời, phù hợp nhất”, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức thông tin.
|
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức thông tin về các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bom mìn. (Ảnh: Mạnh Dũng) |
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nạn nhân bom mìn được xác định là nhóm người khuyết tật bị tai nạn do bom mìn.Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn đã được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật. Các văn bản pháp luật này đã hỗ trợ nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm, học văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin...
Năm 2018, Bộ đã hướng dẫn triển khai mô hình sinh kế, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố. Mô hình tập trung vào các hoạt động như: Phát hiện can thiệp để phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn, trợ giúp nạn nhân bom mìn học nghề tìm việc làm tại gia đình và nơi cư trú, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn (như trâu, bò, máy may và dụng cụ làm nghề may…) tùy theo nhu cầu cầu và điều kiện thực tế của mỗi gia đình…
Hiện diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn của Việt Nam là khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung. Từ sau năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người tử vong, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. |
Thanh Hải