Mở rộng cơ hội vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài 

(Chinhphu.vn) - Để tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) mở rộng đối tượng vay vốn, đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn.
Mở rộng cơ hội vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài- Ảnh 1.
 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh quan điểm xây dựng dự án Luật là nhằm bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách về bảo hiểm thất nghiệp trong Nghị quyết số 28-NQ/TW...

Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, dự thảo Luật được tiếp thu, rà soát, sửa đổi và kết cấu lại gồm 9 chương và 94 điều.

Giới thiệu các nội dung mới trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã bám sát 4 nhóm chính sách. Đó là: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Một số điểm đáng chú ý như, đối với việc hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo luật đã bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Bên cạnh đó, để linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo luật đã sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Ngoài ra, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành).

Đồng thời, quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định bảo đảm tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung).

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định như: Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi, chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh; quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử; quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp; các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024. 

Mở rộng cơ hội vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài- Ảnh 2.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Quy định nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng thời, Ủy ban nhận thấy, quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, thực hiện đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật chỉ quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các chính sách mới; tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến góp ý và bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làmỦy ban Xã hội thấy rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm khả năng thực hiện, nhất là nguồn vốn cho vay ở địa phương để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục rà soát để quy định về nguồn vốn cho vay từ ngân sách nhà nước thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan; quy định các nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người cao tuổi.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội nhận thấy, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.

Hải Giang

23 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 952
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 952
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86998200