Mở hướng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trong đó trọng tâm là tìm cơ chế đột phá tạo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu này, đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ. Sự quan tâm này luôn được nhắc đến trong các nghị quyết của Chính phủ cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó trực tiếp là gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, để nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống, nhiều quan điểm, phạm vi cũng như hướng đi, cách làm cần phải được thống nhất, làm rõ và triệt để tháo gỡ.

Trước hết, đó là việc phải xác định rõ nội hàm của khái niệm NNCNC là gì? Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) đã ban hành tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay. Tuy nhiên, từ bộ tiêu chí này, để triển khai áp dụng cho vay sao cho đến đúng đối tượng lại là cả một chặng đường dài. Đâu là điểm khác biệt để phân biệt giữa NNCNC với công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp? Đối tượng thụ hưởng chương trình này ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như được nhắc đến trong các văn bản, thì các đối tượng khác như hộ kinh doanh, trang trại, nông trại, có được vay vốn không? Chưa kể, một sản phẩm NNCNC, nông nghiệp sạch hiện nay bao gồm rất nhiều công đoạn, nhưng phần lớn chính sách tín dụng triển khai từ trước tới nay mới chú trọng đến khâu sản xuất, còn các đối tượng tham gia khâu nghiên cứu hay phân phối, tiêu thụ sản phẩm,… lại ít được đề cập. Hay nói cách khác, phạm vi cho vay của chương trình chưa rõ là cho vay theo chuỗi, hay chỉ cho vay theo từng công đoạn của sản xuất NNCNC? Do vậy, việc thống nhất khái niệm NNCNC để từ đó xác định rõ đối tượng, phạm vi cho vay của chương trình đang là yêu cầu đầu tiên đặt ra cho các bộ, ngành liên quan khi thực hiện.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan chính sách tín dụng cần phải được làm rõ hơn. Đơn cử như chính sách lãi suất, như yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các đối tượng thụ hưởng chương trình sẽ được vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Nhưng các ngân hàng cũng cần phải minh bạch, xác định rõ đối tượng như thế nào thì được vay với mức thấp hơn 0,5% và đối tượng nào được hưởng thấp hơn 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường? Trong tổng mức 100 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ các loại kỳ hạn sẽ được các ngân hàng cân đối như thế nào để làm sao vừa đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm tỷ lệ an toàn trong sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng… Mặt khác, để tạo sự thống nhất trong triển khai cho vay, các bộ, ngành liên quan, cụ thể ở đây là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng này. Đồng thời, cần xác định rõ thời gian, lộ trình triển khai cho vay gói 100 nghìn tỷ đồng để Chính phủ, người dân có cơ sở theo dõi, giám sát và đánh giá.

Cuối cùng, một yếu tố không kém phần quan trọng quyết định dòng vốn có chảy được hay không, chính là điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này. Quan điểm xuyên suốt của chương trình là nguồn vốn cho vay hoàn toàn là vốn vay thương mại, dựa trên nguồn vốn huy động được của các ngân hàng. Vì vậy, trách nhiệm bảo toàn đồng vốn luôn được các ngân hàng đặt ở mức cao nhất. Trong bối cảnh này, nếu các điều kiện vay vốn không được các ngân hàng “mềm hóa” thì người dân, doanh nghiệp cũng thật khó để tiếp cận. Đơn cử như điều kiện về tài sản thế chấp để vay vốn. Nếu áp dụng đúng theo cơ chế thị trường lãi suất tỷ lệ thuận với rủi ro, thì với lĩnh vực nông nghiệp phải đối diện với nhiều rủi ro, đặc biệt với các chương trình, dự án NNCNC thường gắn liền với suất đầu tư lớn, thì việc để được vay và vay với lãi suất “rẻ” là một mơ ước khá xa vời. Vì vậy, đòi hỏi các bộ, ngành như: Bộ NNPTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính,… cần chung tay tháo gỡ các “nút thắt” về chính sách, cụ thể: sớm có quy hoạch vùng, khu NNCNC; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ cao; nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm; sớm hoàn thiện chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp,…

Có như vậy, chương trình tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển NNCNC sẽ “chảy” mạnh mẽ hơn chứ không phải cho dù các ngân hàng đã cam kết sẵn sàng cung ứng vượt mức 100 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân khoảng 3.700 tỷ đồng.

 

HỒNG ANH

1033 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 801
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 801
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86996978