Chọn đất làm rẫy
Dãy Trường Sơn nơi miền tây Quảng Trị, từ bao đời là vùng đất thân thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Bru - Vân Kiều. Bên cạnh cây sắn, cây ngô cùng một số loài cây cho củ, quả và hoa màu, thì lúa rẫy là cây lương thực chính quan trọng nhất. Chị Hồ Thị Ba, ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung cho hay: “Trước đi đâu cũng chỉ làm rẫy thôi. Nay khu vực có nước và đất bằng người dân đã trồng cây lúa nước, nhiều nơi còn làm được hai vụ lúa trong một năm. Nhưng với những bản làng đồi dốc, khó khăn về nguồn nước thì người Pa Cô vẫn gắn bó thủy chung với cây lúa rẫy truyền thống”.
Để có được một nơi trỉa lúa tốt, người Pa Cô phải chọn đất lành phát rẫy. Chị Kăn Tâm, thôn Cu Tài 1, xã A Bung chia sẻ: “Để có được rẫy tốt thì ban đầu đàn ông Pa Cô phải cất công đi chọn đất (hay còn gọi là “Tăm đất”), không chỉ nhìn vào đất, nhìn cây rừng, mà người ta còn phải chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ xin phép một số vị thần…”.
Nghệ nhân dân gian Kray Sức, “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn cho hay: “Tục xin đất, tiếng Pa Cô gọi là: Chêm pê đay. Để xin đất, người ta dùng gỗ làm thành hình ảnh tượng trưng về kho đựng thóc, sau đó sẽ chọn ba thanh tre ngắn cắm xuống mặt đất theo hình tam giác, đồng thời gác một số thanh tre nằm ngang để trải lá cây cho đất lên trên lá. Lúc này chủ gia đình sẽ tiến hành nghi lễ gọi thần đất, thần núi và thần lúa để xin đất. Kết thúc phần lễ, nếu đêm hôm ấy chủ nhà có giấc mơ tốt thì ngày hôm sau sẽ tiến hành phát rẫy, nhưng nếu giấc mơ không tốt thì đành đi tìm quả núi khác để tiếp tục xin đất…”.
Độc đáo giống bản địa
Sau khi chọn được nơi để phát rẫy, nhiều hộ gia đình trong bản sẽ cùng phát rẫy gần nhau để hỗ trợ nhau trỉa lúa, giữ rẫy cũng như thu hoạch. Hạt lúa giống sẽ được gửi tạm vào đất và đợi đến mùa mưa thì bắt đầu nảy mầm.
Nắng hừng hực, mồ hôi chảy ướt đẫm cả người. Chị Hồ Thị Họa My gạt mồ hôi chia sẻ: “Dù vất vả, nhưng mùa gieo hạt rất vui và thu hút được nhiều người tham gia. Năm nào đến mùa trỉa lúa tôi cũng lên nương hết tháng gieo hạt. Hy vọng được mùa vẫn là niềm tin của người nông dân. Ai cũng nghĩ như thế và mong được như thế”.
Là doanh nghiệp trẻ, mở một hiệu buôn nông sản ở huyện Đakrông, nhưng năm nào đến mùa trỉa lúa chị Hồ Thị Họa My vẫn về bản tham gia mùa trỉa hạt. Nói về cách chọn giống, một trong những khâu quan trọng của người nông dân, chị My chia sẻ: “Người dân ở đây vẫn thích dùng giống lúa bản địa. Năng suất có hơi thấp nhưng bù lại giá thành cao do gạo lúa rẫy của người Pa Cô là nông sản sạch. Lúa rẫy cũng có nhiều giống khác nhau, mỗi giống lúa sẽ cho mầu sắc, kích thước và hình dáng hạt lúa khác nhau, theo đó hương vị và chất lượng cũng sẽ khác nhau. Nhưng có một đặc tính chung với tất cả các giống lúa rẫy là khả năng chịu hạn cao, nên thích nghi với điều kiện canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên”.
Trải qua hàng nghìn năm, đặc tính nổi bật của cây lúa rẫy là khả năng đẻ nhánh, xòe bụi rất nhanh và sớm tỏa bóng che phủ phần mặt đất dưới mỗi gốc lúa, giảm bớt quá trình bốc hơi nước và giữ ẩm cho đất. Chị Kăn Tâm hồ hởi: “Nắng lắm, mồ hôi chảy cả người. Để có cái ăn cuối năm thì giờ đây phải chịu nắng. Từ đầu tháng 5, chậm nhất là cuối tháng 6 phải trỉa xong lúa rẫy. Đến đầu hoặc cuối tháng 10 làng tôi làm lễ Lúa mới. Đó là biểu hiện cho sức sống của bản làng Pa Cô”.
Bữa cơm trong giờ giải lao của đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã A Bung.
Nhọc nhằn và lãng mạn
Quá trình sản xuất nương rẫy, nhất là cây lúa rẫy còn gắn với câu chuyện “đi sim” của người Pa Cô. Ngày xưa, nhiều gia đình thường hẹn nhau phát chung một quả núi, một khu rừng để làm rẫy, khi cây lúa trổ bông thì người ta bắt đầu dựng những ngôi nhà chòi ngay giữa rẫy và làm những hình nộm giống con người kết hợp với âm thanh của ống tre để xua đuổi lũ chim rừng kéo về phá lúa.
Vào mùa lúa rẫy bắt đầu chín vàng, trong các nhà chòi còn có một số loại nhạc cụ cũng được dùng để xua đuổi chim và thú rừng. Người được phân công giữ rẫy thường là các cô gái bắt đầu đến tuổi lấy chồng. Chính âm thanh từ việc giữ rẫy vang vọng giữa núi rừng là tín hiệu để các chàng trai đến tuổi lấy vợ sẽ tìm đến nhà chòi để tìm hiểu và ngỏ lời cùng các cô sơn nữ. Nếu hai bên đồng ý thì họ sẽ tặng nhau kỷ vật cùng với lời hẹn ước rồi xin phép gia đình đợi đến mùa rẫy năm sau sẽ nên duyên vợ chồng. Câu chuyện về tục “đi sim” cũng bắt đầu từ đó.
Hành trình mùa vụ của người Pa Cô rất đỗi gian nan. Nếu như trong câu ca làm nên một hạt lúa phải đánh đổi tới “chín giọt mồ hôi” thì trong thực tế có lẽ việc làm ra hạt lúa trên nương rẫy của người Pa Cô trên địa bàn xã A Bung của huyện Đakrông còn gian nan gấp nhiều lần như thế, khi hạt lúa về làng thì đôi vai của người trồng đã mỏi. Chị Hồ Thị Ba ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung tâm sự: “Nhà chị năm nay bỏ giống bốn thúng giống, chừng đó cuối năm gặt được hơn 10 gùi. Chờ lúa về cũng là chờ mùa lễ hội, vất vả lắm nhưng năm nào cũng vui”. Cuối năm lúa về khắp bản làng. Gặt lúa xong bản làng chọn ngày cúng lúa mới, đó gọi là lễ hội A da”.
Cứ đến tháng Chạp là núi rừng Trường Sơn thơm mùi cơm mới. Lúc này Lễ hội A da của đồng bào Pa Cô được tổ chức từ thôn này đến thôn khác, từ xã này đến xã khác. Dịp này, con cháu dù ở xa mấy cũng về. “A da được tổ chức vào tháng 12, cúng thần lúa với lời cầu mong cho mùa màng năm sau được tốt tươi. Đây là lúc cầu nguyện cho con cháu trong dòng họ được mạnh khỏe cái chân để lên nương lên rẫy, cảm ơn thần lúa vì đã mang tới cho con cháu trong dòng họ bát cơm đầy, có cái ăn no bụng. Cảm ơn trời, cảm ơn đất, ơn nước, ơn hồn người đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Sau A da, đồng bào tiếp tục lên rừng tìm chỗ đất tốt để gieo hạt” - già làng Vỗ Nghìn, Trưởng dòng họ Par Tar ở tại Cu Tài 1, xã A Bung tâm sự.
LÊ MINH HÀ