Mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” kết nối hỗ trợ trong kinh doanh 

Nhận thấy bà con sản xuất rau màu còn nhỏ lẻ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng, để hỗ trợ hội viên, phụ nữ sản xuất rau sạch, kết nối, tạo cơ hội cho chị em tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị chọn phường Đông Giang, thành phố Đông Hà để triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” kết nối hỗ trợ trong kinh doanh.

Hội LHPN tỉnh cùng với Hội LHPN thành phố Đông Hà thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn với 20 thành viên tham gia. Các thành viên tham gia đã được hỗ trợ  tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Kỹ thuật bón phân trong sản xuất rau an toàn, phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ an toàn, tạo môi trường an toàn, cách ly mầm bệnh, cải tạo đất, xóa dần tập quán sản xuất truyền thống lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây ô nhiễm môi trường sống, phân tích cho bà con biết sản xuất rau sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả lớn, ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe của người tiêu dùng và cả người sản xuất. Qua tập huấn và các buổi tuyên truyền giúp các thành viên tổ hợp tác đã thay đổi thói quen canh tác truyền thống đã hình thành từ lâu, từng bước đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm rau sạch có chất lượng sẽ đáp ứng nhu cầu đô thị và thị trường, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Điều quan trọng nữa là sẽ làm thay đổi nhận thức người nông dân từ tập quán sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp canh tác mới hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng bền vững; nâng cao giá trị thu nhập bình quân đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha, ước lợi nhuận đạt 120 - 150 triệu đồng/ha. 

Mô hình "Tổ hợp tác trồng rau an toàn" ở phường Đông Giang, tp Đông Hà

Hội LHPN tỉnh và thành phố Đông Hà cũng đã tập trung tuyên truyền rộng rãi, trực tiếp đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về mục đích, ý nghĩa của việc sản xuất sạch, tác hại của việc sản xuất và sử dụng lương thực, thực phẩm bẩn; ý nghĩa, tác dụng của việc sản xuất lương thực, thực phẩm sạch...Tổ chức kết nối nguồn lực hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Thông qua trang web, thông tin Bình đẳng giới, quầy giới thiệu sản phẩm các cấp Hội...Phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Đài Truyền thanh huyện, Ban Văn hóa xã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trưng bày sản phẩm rau an toàn tại quầy trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm của Hội LHPN tỉnh, đồng thời làm việc với các nhà hàng, khách sạn như Nhà hàng Yên Loan, khách sạn Sài Gòn- Đông Hà... để kết nối cung ứng rau an toàn các loại như cải, xà lách, mồng tơi, rau dền, hành hoa, dưa leo, mướp đắng, ớt... Các thành viên  tham gia cũng đã chủ động xây dựng hệ thống sản xuất, tiêu thụ giữa tổ hợp tác, các chợ kinh doanh rau trong và ngoài thành phố, cung cấp và nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường cũng như nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái, bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp đô thị. 

Hội LHPN tỉnh cũng đã xây dựng Đề án gửi “Chương trình hạnh phúc” để hỗ trợ vốn vay cho thành viên tham gia tổ hợp tác và được phê duyệt với tổng kinh phí 657.360.000 đồng, hỗ trợ 657.360.000 đồng cho 20 thành viên vay thực hiện mô hình trồng rau an toàn, Với số vốn vay từ 30 - 70 triệu đồng/hộ  để đầu tư vào sản xuất như: đào giếng khoan, nâng nền đất trồng rau để chống lụt, xây dựng hàng rào, giàn che”… tạo ra được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao phù hợp với tính chất đô thị.

Tổ hợp tác trồng rau an toàn là nơi để các thành viên có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau. Hàng quý, tổ thường nhóm họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, rồi cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ. Bên cạnh đó, hội đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật giới thiệu về những kiến thức khoa học kỹ thuật hay mô hình trồng rau mới để các thành viên trong tổ nắm bắt và vận dụng vào thực tế.Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, đa số các thành viên đều nhận thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại. Trước tiên là giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng phân và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trước kia, trung bình 1.000m2 cải tốn 1,4 triệu đồng tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật nhưng khi sản xuất theo hướng an toàn thì chỉ mất khoảng 800.000 đồng”.

 Nhờ hỗ trợ của Hội nên hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng nâng cao như gia đình chị Nguyễn Thị Hải trồng 4 sào rau theo quy trình trồng rau an toàn, thị trường đầu ra đảm bảo, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 200 đến 300 ngàn đồng. Chị  Hải chia sẻ: “Từ khi biết áp dụng trồng rau an toàn đã hạn chế hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường, lượng rau bán ra thị trường nhanh hơn, giá cả cao hơn, cung cấp thực phẩm sạch đảm bảo an toàn cho gia đình và người tiêu dùng”. Chị Hoàng Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn khu phố 4 chia sẻ: “ Các thành viên tham gia Tổ hợp tác trồng rau an toàn đã được hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật nên đã áp dụng đúng kỹ thuật được tập huấn vào quy trình chăm sóc cây rau như tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn cây phát triển, đã biết phát hiện bệnh của cây trồng, biết bảo vệ thực vật an toàn, không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, chất lượng, hiệu quả rau sạch được nâng lên”.

Mô hình trồng rau an toàn

 Những ngày này, tổ hợp tác trồng rau an toàn đang hối hả, tăng cường sản xuất rau an toàn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2018, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường từ đây đến tết Nguyên Đán khoảng hơn 5 tấn rau xanh, bao gồm các loại rau: mồng tơi, rau ngót, cải cúc, cải ngọt, tầng ơ,xà lách, hành, ngò, cần tây,…Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn rau an toàn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, trước nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng tăng cao, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc các nhà sản xuất, kinh doanh liên kết chặt chẽ để giữ vững uy tín, thương hiệu, ổn định giá thành sản phẩm, tổ hợp tác trồng rau an toàn cần kết nối nhiều hơn với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đầu mối tại các chợ, đặc biệt chợ Đông Hà nhằm cung ứng rau an toàn ổn định trên địa bàn trong tỉnh.

Trong thời gian tới, các thành viên tổ hợp tác tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các công trình xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn. Hội tiếp tục trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn đến với người dân. Từ mô hình này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo 100 % Hội LHPN các huyện, thị, thành phố đầu tư xây dựng, nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, Hội LHPN huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã xây dựng được ít nhất một mô hình sản xuất sạch. Điều này, đã nâng cao nhận thức, góp phần làm thay đổi hành vi cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng, người dân nói chung trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Phương Thiện

 

 

 

 

3586 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230772