Mịt mờ tương lai những đôi vợ chồng trẻ con: Xóa hủ tục - không dễ! 

(Dân Việt) Tục đi “sim” vốn tốt đẹp nhưng bị biến tướng, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã xảy ra rất nhiều ở miền núi Quảng Trị với những hậu quả và hệ lụy đau lòng. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã và đang nỗ lực ngăn chặn những hủ tục, tệ nạn này, nhưng chặng đường ấy không dễ dàng...

Mổ xẻ nguyên nhân

Giai đoạn từ năm 2011 đến giữa năm 2016, Quảng Trị có đến 1.339 trường hợp tảo hôn và 16 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Con số trên - dù đã rất đáng báo động - nhưng cũng chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Bởi theo ông Lê Văn Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, các địa phương thường e ngại khi báo cáo về tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn nên số liệu thường thấp hơn thực tế.

 mit mo tuong lai nhung doi vo chong tre con: xoa hu tuc - khong de! hinh anh 1

Cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ảnh: Ngọc Vũ

Như huyện Đakrông báo cáo giai đoạn 2011-2015 có 254 trường hợp tảo hôn, 1 hôn nhân cận huyết. Thế nhưng, cán bộ của Ban Dân tộc khảo sát thực tế tại 4/13 xã của huyện, con số tảo hôn đã là 269 trường hợp, 8 trường hợp hôn nhân cận huyết.

Theo ông Quyền, thanh thiếu niên là đối tượng chính cần được tuyên truyền để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhưng lâu nay chính quyền địa phương thực hiện việc tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn - mà những cuộc họp này thường là đại diện hộ gia đình như bố, mẹ… những người đã trưởng thành đến dự, do đó hiệu quả tuyên truyền rất thấp vì chưa đúng đối tượng cần hướng đến.

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đánh giá sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết chưa được làm tốt ở địa phương. Trình độ dân trí đồng bào dân tộc ít người còn thấp, nhận thức chưa đầy đủ nên việc tuyên truyền, giáo dục con cái kết hôn đúng độ tuổi theo quy định chưa được quan tâm. Chưa kể nhiều gia đình vẫn xem tảo hôn và hôn nhân cận huyết là đương nhiên, phù hợp với phong tục tập quán với lý do “yêu nhau thì lấy nhau, không quan trọng tuổi tác”, “kết hôn cận huyết sẽ thắt chặt tình cảm anh em, họ hàng”, “lấy vợ sớm để có thêm lao động cho gia đình”…

Dở chồng tài liệu và phiếu khảo sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết mà cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cung cấp, tôi đã đọc được những câu trả lời ngây thơ đến mức không tưởng của những cặp vợ chồng trẻ con miền núi. Có em chưa bao giờ nghe đến tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, có em biết và nghĩ đó là nét văn hóa đẹp của dân tộc mình, không nên xóa bỏ. Có trường hợp trả lời rằng nguyên nhân lấy chồng cận huyết thống vì thích chồng đẹp trai, rất có lợi...

 mit mo tuong lai nhung doi vo chong tre con: xoa hu tuc - khong de! hinh anh 2

Trẻ em huyện Đakrông được tiếp cận kiến thức phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết qua hình ảnh được treo ở những nơi đông người qua lại. Ảnh: Ngọc Vũ

Bà Nguyễn Thị Ái Loan – Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐTBXH Quảng Trị) cho biết, nguyên nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn vì quan niệm trọng nam khinh nữ. Minh chứng ở chỗ trường hợp kết hôn sớm đa số là phụ nữ, dường như có mặc định phụ nữ chỉ để sinh con. Nhiều đứa trẻ mới 12 đến 14 tuổi đã lấy chồng, như vậy là vi phạm quyền trẻ em.

Triển khai nhiều giải pháp xóa bỏ hủ tục

Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Trên cơ sở đó, Quảng Trị đã có chương trình thực hiện đề án này. Sở LĐTBXH Quảng Trị đã phối hợp Tổ chức Plan Việt Nam triển khai dự án phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2019. Dự án bắt đầu triển khai vào tháng 9.2016, đến nay đã có một số hoạt động, giúp chuyển biến nhận thức người dân.

Tổ chức Plan đã hỗ trợ kinh phí để dự án thực hiện việc tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em gái dưới 18 tuổi kiến thức về Luật Hôn nhân gia đình; hỗ trợ kinh phí cho các em mua giống cây, con nuôi trồng, ổn định kinh tế. Đặc biệt, dự án xây dựng quy ước chung phòng chống kết hôn sớm. Nếu như người Vân Kiều – Pa Kô có tục phạt vạ lợn, gà, trâu, bò, dê, tiền bạc, thanh la (nhạc cụ dân tộc làm bằng đồng, rất quý hiếm – PV)... đối với những cô gái mang bầu trước khi cưới, thì quy ước dự án đưa ra là không ai đến dự đám cưới những cặp kết hôn sớm. Thôn, bản nào xảy ra tảo hôn không được xét thôn văn hóa.

 mit mo tuong lai nhung doi vo chong tre con: xoa hu tuc - khong de! hinh anh 3

Câu trả lời ngây thơ của một “bà mẹ trẻ con” khi kết hôn cận huyết thống rằng: “Vì thích chồng, chồng rất đẹp trai”. Ảnh: Ngọc Vũ

Bà Loan cho biết, việc quan trọng để hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết được xóa bỏ là các cấp chính quyền, nhân dân, phương tiện truyền thông đại chúng… cần phối hợp, cùng lên tiếng nhiều hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Cần coi xóa bỏ hủ tục, bảo vệ quyền trẻ em là nhiệm vụ hàng đầu và liên tục.

Ông Lê Văn Quyền – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho rằng, các địa phương cần đưa nhiệm vụ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các mô hình điểm ở thôn bản và trường học gây hiệu ứng lan tỏa đối với các địa bàn xung quanh… Công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn cần được tổ chức thiết thực hơn như: Tập huấn xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở có năng lực, kiến thức, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào để phục vụ tốt cho công tác vận động.

Lồng ghép công tác tuyên truyền vào các chương trình lễ hội của đồng bào, các buổi biểu diễn văn nghệ, hội thi kiến thức chủ đề về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản… giữa các thôn bản để thu hút số lượng người tham gia. Việc cấp phát tài liệu tuyên truyền phải đa dạng hóa loại hình, có hình ảnh và nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, có các tình huống trắc nghiệm hỏi đáp hoặc chiếu phim tuyên truyền.

Về lâu dài, theo ông Quyền, Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa xây dựng kết cấu hạ tầng; triển khai thực hiệu có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới... thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được đẩy lùi.

Bà Nguyễn Thị Ái Loan cho hay, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất lớn, trẻ sinh ra đa số bị suy dinh dưỡng, còi cọc, mắc nhiều bệnh tật… Cha mẹ còn quá trẻ, đa số là trẻ em chưa đủ 18 tuổi, kinh tế khó khăn, không có việc làm dẫn đến đói nghèo cứ đeo bám qua nhiều thế hệ, con cái không được quan tâm, chậm phát triển về thể chất và trí tuệ. Nghèo đói, bệnh tật của mỗi hộ gia đình tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

838 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1282
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1282
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87195726