Hiện các địa phương ở khu vực này đang huy động tổng lực để sớm có những phương pháp hữu hiệu, nhằm giải quyết ngay lập tức khi dịch bệnh xuất hiện.
Dàn hàng ngang chặn dịch
Dọc Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua miền Trung hiện có hàng chục chốt kiểm dịch động vật tạm thời vừa đi vào hoạt động. Tại các trạm, lực lượng liên ngành đều túc trực 24h/24h để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh; ngăn chặn việc vận chuyển heo mắc bệnh, nghi mắc nhiễm, sản phẩm từ heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi và các bệnh nguy hiểm khác trên động vật ra vào địa bàn mình.
Tại Quảng Trị, ngoài chốt kiểm dịch đặt ngay ở “cửa ngõ” Quốc lộ 1, đoạn giáp Quảng Bình, tỉnh này còn lập chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh. Cả 2 chốt kiểm dịch “dã chiến” hoạt động từ ngày 9-3, mỗi ca trực tại chốt 5 người, gồm: cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, CSGT và Quản lý thị trường. Trong đó, khu vực đặt chốt kiểm dịch Vĩnh Chấp- Vĩnh Linh- Quảng Trị từ tối 13 đến sáng 14-3, các xe chở heo đều tự giác dừng lại khu vực kiểm tra thủ tục kiểm dịch.
Một chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 1.
Xong phần kiểm tra giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận heo không mắc dịch, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị nhảy lên từng xe để kiểm tra và khám “lâm sàng” số heo, đồng thời phun khử trùng tiêu độc cho heo và xe chở heo… trước khi cho phương tiện tiếp tục lưu thông. Cứ thế, trong cung giờ từ 0 giờ đến tầm 4 giờ sáng 14-3, chốt kiểm dịch tại Vĩnh Chấp kiểm tra thủ tục thú y, phun khử trùng tiêu độc 15 xe chở heo; xe chở nhiều nhất 185 con và chở ít nhất 7 con heo. Đó cũng là những gì ĐTTC ghi nhận được ở các trạm kiểm tra động vật tạm thời trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh những ngày qua tại các tỉnh, thành ở miền Trung.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn hiệu quả bệnh dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, các xã, huyện, thị tại miền Trung đã bố trí lực lượng chốt chặn, kiểm tra dịch bệnh tại các tuyến tỉnh lộ hoặc quốc lộ từ trung tâm các tỉnh lỵ đi các huyện miền núi. Những tuyến đường này thường được UBND các huyện giao trách nhiệm cho các địa phương chủ động kiểm tra, kiểm soát khi có xe vận chuyển heo dừng lại trên địa bàn... Mặt khác, kiểm tra chặt chẽ tại các lò mổ tập trung, các chợ trên địa bàn.
Lực lượng Thú y tại các chốt kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 1 phun hóa chất xung quanh các phương tiện vận chuyển heo.
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đặc biệt tại các địa phương giáp biên giới, giáp ranh với các tỉnh trong khu vực; các địa phương có tổng đàn heo với số lượng lớn, các vùng có nguy cơ cao, tỉnh Quảng Trị còn yêu cầu chính quyền các cấp rà soát, dự phòng các phương án tiêu hủy, địa điểm và lực lượng tham gia chôn lấp heo, sản phẩm heo nếu phát hiện dương tính dịch tả heo châu Phi; chuẩn bị bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện heo dương tính đến nơi tiêu hủy, nơi chôn hủy. Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm của heo bằng vôi bột hoặc hóa chất theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Cơ quan chức năng kiểm tra và khám lâm sàng số heo trên các phương tiện vận chuyển ra vào tỉnh, thành miền Trung.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước mắt chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát chặt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển heo qua địa bàn. Đồng thời, chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với heo có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các sản phẩm thịt đông lạnh, thịt heo tươi, giăm bông, xúc xích… và gửi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm Cục Thú y để xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật và có phương án tiêu hủy.
Không đơn thuần là việc của Thú y
Không chỉ trực tiếp yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tại địa phương mình quản lý cho UBND tỉnh, mà ngay cả ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn bất ngờ đi kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn phòng chống lây lan dịch tả heo châu Phi tại chốt Kiểm dịch động vật trên QL1A thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Tại đây, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, phòng chống dịch tả heo châu Phi không đơn thuần là việc của Chi cục Thú y, Sở NN-PTNT, mà mỗi địa phương đều phải ra tay mới ngăn chặn hiệu quả.
Phun thuốc tiêu trùng, khử độc chuồng trại chăn nuôi heo tại Thừa Thiên - Huế.
Các cấp, ngành theo chức năng phân công, phải cùng vào cuộc, cử cán bộ, cung cấp phương tiện, vừa ra văn bản chỉ đạo vừa có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này để không gây hoang mang và quay lưng với thịt heo sạch.
Tượng tự, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định cho biết, phòng chống dịch bệnh vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. “Phải nhanh chóng tiêu hủy heo chết khi dịch xuất hiện để hạn chế mầm bệnh lây lan”- ông Quốc khuyến cáo.
Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, dù đến thời điểm này đàn heo vẫn an toàn với dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên, ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định không chủ quan với dịch bệnh. Theo đó, Quảng Ngãi đã cấp trên 10.000 lít hóa chất để vệ sinh sát trùng cho 34 trại heo ở các địa phương. Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng liên tục kiểm tra, mang các mẫu heo gửi đi xét nghiệm khi có khả nghi.
Đưa thịt heo đã qua kiểm dịch đến các chợ tiêu thụ.
Bộ NN-PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tăng cường kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo. Trong đó, Quảng Bình thành lập ngay 2 chốt kiểm dịch tạm thời (1 chốt tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch và 1 chốt tại xã Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa), bố trí đầy đủ các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ.
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam. Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông. Tạm dừng vận chuyển heo, sản phẩm heo từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con heo cuối cùng mắc bệnh được tiêu hủy.
Trang trại, người nuôi, người bán cùng vào cuộc
Hiện các trang trại chăn nuôi tập trung và cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại miền Trung, cũng đang tích cực chủ động phòng chống dịch tả heo châu Phi lây lan. Tại Quảng Trị- địa phương có tổng đàn heo lớn tại miền Trung với quy mô hơn 242.400 con. Tỷ lệ heo ngoại, lợn lai ngoại chiếm 80,76% tổng đàn heo toàn tỉnh, chủ yếu là các giống heo ngoại năng suất chất lượng cao như: Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran, Pi-Du và tổ hợp lai 2 máu, 3 máu của các giống được chăn nuôi theo phương thức trang trại, trại công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng phát triển.
Song thông tin về dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Nghệ An- địa phương cách Quảng Trị khoảng 200km, khiến người chăn nuôi ở đây cẩn trọng hơn trong việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, bởi đây là loại dịch nguy hiểm hiện nay chưa có vắc xin đặc trị cũng như tỷ lệ 100% heo mắc bệnh sẽ bị chết.
Ông Lê Bá Bảo, hộ chăn nuôi theo mô hình VietGap, người có nhiều kinh nghiệm trong xử lý, phòng chống dịch bệnh ở Hải Lăng-Quảng Trị cho hay, từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương phía Bắc, gia đình ông đã chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột để tiêu độc khử trùng, giảm tối đa các nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Còn ông Mai Văn Hà, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện đang nuôi hàng chục con heo thịt cho biết, trước dịch tả heo châu Phi đang xuất hiện tại một số địa phương, đặc biệt là tỉnh "hàng xóm" Nghệ An, ông Hà đã bắt đầu lo lắng.
"Đàn heo của gia đình mới thả được 2 tháng, trọng lượng đạt gần 40kg/con nên chưa thể xuất chuồng. Sợ dịch tả heo châu Phi lây lan vào đàn heo, hàng ngày tôi thu dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đồng thời phun thuốc khử trùng trong khu vực chuồng trại. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn heo. Trước mắt, giữ nguyên đàn heo trong chuồng, không nhập thêm heo giống để tăng đàn"- ông Mai Văn Hà nói.
Về miền Trung những ngày này, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về dịch tả heo châu Phi tàn phá như một thứ giặc lạ. Song có một điểm chung là tình hình mua bán tiêu thu thịt heo tại đây vẫn diễn ra bình thường. Tại lò mổ gia súc lớn nhất Thừa Thiên-Huế ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP Huế), từ 2 đến 6 giờ sáng hàng ngày, lò giết mổ này thực hiện giết mổ khoảng 800 con heo để cung ứng lượng thịt cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến kiểm tra và đề nghị đội ngũ cán bộ thú y cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ, đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ và ghi chép đầy đủ thông tin gia súc trước khi đưa vào cơ sở; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.
Bài, ảnh: VĂN THẮNG