|
Trao tặng tivi cho các hộ gia đình chính sách ở Đà Nẵng. Ảnh VGP/Hồng Hạnh. |
Sáng 26/7, tại nhà hát Trưng Vương, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng và tổng kết Chương trình sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách năm 2017.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng có khoảng 109.000 đối tượng được xác nhận và giải quyết chính sách, chế độ theo Pháp lệnh; với 22.000 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hàng năm trên 330 tỷ đồng. Trong đó, có 2.220 liệt sĩ, 1.427 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 1.770 Mẹ Việt Nam anh hùng; 3.192 người tham gia kháng chiến và con cái bị nhiễm chất độc hóa học…
Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ Thành phố đã xác định: Cần tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng; duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác hỗ trợ thương binh-liệt sĩ, 100% gia đình chính sách của Thành phố có nhà ở ổn định, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư địa phương nơi cư trú.
Đồng thời, Thành phố cũng đang tập trung thực hiện chủ trương “Thành phố 4 an”, trong đó, chế độ ưu đãi người có công là một nội dung quan trọng của công tác an sinh xã hội, là yếu tố quyết định đối với kết quả thực hiện chủ trương này.
Hằng năm, Đà Nẵng huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các gia đình chính sách theo Quyết định 118/TTg mà không sử dụng nguồn vốn từ Trung ương. Sau 5 năm triển khai, đã có 25.688 hộ được hỗ trợ cải thiện nhà với nhiều hình thức, với tổng kinh phí trên 520 tỷ đồng. Mỗi gia đình khi về nhà mới còn được Đà Nẵng tặng “tân gia” một ti vi.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ cơ bản hoàn thành công tác sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với Cách mạng có nhà ở xuống cấp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ theo đề án đã được Thành phố phê duyệt, bảo đảm 100% mộ, nghĩa trang trên địa bàn Thành phố khang trang, được chăm sóc chu đáo. Mặc khác, tăng cường hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
|
Lãnh đạo tỉnh Kom Tum trao tặng bằng khen cho người có công tiêu biểu của tỉnh. Ảnh:VGP/Trầm Hương |
Trước đó, ngày 25/7, tại TP. Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị biểu dương 99 người có công tiêu biểu; 17 xã, phường và 5 doanh nghiệp làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Kon Tum hiện có trên 40.000 người có công với Cách mạng. Trong 5 năm qua, tỉnh đã đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho 112 Mẹ; xác nhận 2.027 liệt sĩ, 2.078 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trên 2.672 bệnh binh; 3.168 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.117 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 2.911 thanh niên xung phong đã giải quyết chế độ.
Bên cạnh đó, 15.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; có khoảng 30.000 người đã được hưởng trợ cấp một lần theo các chính sách đối với người có công; gần 6.000 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.959 nhà tình nghĩa cho người có công, gia đình chính sách với tổng kinh phí là 23,8 tỉ đồng. Trong đó, 234 nhà được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các đơn vị còn tặng 188 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; thăm và tặng quà cho gần 34.000 lượt người có công; tu bổ chỉnh trang 35 công trình tưởng niệm liệt sĩ; quy tập được 600 hài cốt liệt sĩ hi sinh ở Lào và Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh.
Nhờ sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể địa phương, đến nay 97% hộ gia đình chính sách của tỉnh Kon Tum có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Kon Tum đã biểu dương và tặng bằng khen cho 17 xã, phường và 5 doanh nghiệp làm tốt công tác chăm lo đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và tặng bằng khen cho 99 người có công tiêu biểu trong toàn tỉnh.
Tại Gia Lai, Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ được long trọng tổ chức vào sáng 25/7 là dịp để các cấp, ngành của tỉnh cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác hỗ trợ, tri ân người có công, gia đình chính sách.
Trải qua các cuộc đấu tranh, Gia Lai có 16.023 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước.
Tính riêng từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 19 tỷ đồng, cùng với sự nhiệt tình đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tỉnh ta đã trao tặng 371 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công còn khó khăn, trị giá gần 3,4 tỷ đồng; xây mới 1.836 nhà tình nghĩa tặng cho người có công còn khó khăn về nhà ở. 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc; 98% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Năm 2017, bằng việc xóa nhà dột nát, nhà tạm cho 1.248 gia đình chính sách, với tổng số tiền huy động lên tới hơn 70 tỷ đồng, tỉnh Gia Lai đã ghi dấu son trong công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân các thương binh, liệt sĩ. Tỉnh cũng đã trao tặng 70 sổ tiết kiệm (15 triệu đồng/sổ) cho 70 người có công còn khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Hồng Hạnh - Trầm Hương