|
Hội thảo đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Chiều 8/12, tại TP. Đà Nẵng, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội thảo đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn
Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu được dự báo suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 vẫn khả quan, đạt 26,43 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,7 tỷ USD (xếp thứ 2 sau Singapore).
Trong 9 tháng đầu năm, tại miền Trung-Tây Nguyên, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư vào khu vực, đạt 79,41 triệu USD với 23 dự án đăng ký đầu tư mới với các lĩnh vực như chế biến chế tạo; hoạt động chuyên môn công nghệ, dịch vụ lưu trú, ăn uống...
Lũy kế đến nay, đối tác Hàn Quốc đã đầu tư 368 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 16,96% của cả khu vực, xếp vị trí thứ 2 sau Singapore. Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt hầu hết trong các ngành thế mạnh của các địa phương khu vực miền Trung -Tây Nguyên như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may, sản xuất gia công và chế biến, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…
Chính phủ Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế” tạo điều kiện thuận lợi cho gần 20.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam an toàn, bảo đảm các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh vẫn bình thường.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA đã có hiệu lực và Hiệp định RCEP vừa được ký kết, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư chiến lược của các Tập đoàn, Công ty và nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Để không bỏ lỡ cơ hội trên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Luật Đầu tư mới, Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đầu tư PPP vừa được Quốc hội thông qua theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
|
Ảnh: VGP/Lưu Hương |
“Sự ổn định” là yếu tố rất quan trọng trong thời kỳ COVID-19
Theo ông Lee Sungnyung, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại-đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, việc đảm bảo “sự ổn định” là yếu tố rất quan trọng trong thời kỳ COVID-19.
“Giữa những thay đổi trong giá trị toàn cầu, Việt Nam đã xây dựng hình ảnh “một quốc gia ổn định” bằng cách kiểm soát hiệu quả 2 lần dịch COVID-19 bùng phát. Hình ảnh một đất nước ổn định sẽ mang lại cơ hội lớn để thu hút đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, nơi có lợi thế giá thuê đất thấp hơn so với miền Nam và miền Bắc”, Giám đốc KOTRA Đà Nẵng nhìn nhận.
Còn ông Kim Kyung Hwan, Tổng Giám Đốc Công ty Hyosung (Quảng Nam) chia sẻ rằng có nhiều thuận lợi khi đầu tư tại tỉnh Quảng Nam như: Các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng và đúng thời hạn; việc kết nối giao thông giữa các địa phương trong khu vực rất đa dạng thông qua đường Quốc lộ 1A, đường ven biển, đường cao tốc...Chính điều này góp phần cho việc vận tải xuất nhập hàng hóa nguyên vật liệu được cải thiện, giúp cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Để thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư của Hàn Quốc trong bối cảnh mới, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đề nghị các địa phương miền Trung-Tây Nguyên cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đưa chỉ số PCI và PAPI đứng trong “top 15” của cả nước; chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng đón các dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng tiêu chí cho các dự án đầu tư phù hợp với Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị trong thời gian tới; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động và có trọng điểm, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong thời gian tới và đảm bảo tính liên kết vùng.
Lưu Hương