Miền Trung quay quắt bởi nắng nóng 

Những ngày qua, thời tiết tại các tỉnh miền Trung trở nên gay gắt, nhiệt độ tại nhiều nơi ghi nhận trên 40 độ C khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ liên tục phát đi các thông báo cảnh báo người dân có biện pháp ứng phó với thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Giữa đỉnh điểm nắng nóng, người dân hạn chế ra đường và bịt kín người khi đi ngoài trời. 

Nóng giữa “kinh đô gió Lào”

Trời nắng chói chang, với nền nhiệt ngoài trời trên 40 độ C, gió Lào như “bão”, cả vùng Quảng Trị như “hỏa diệm sơn”, mọi ngả đường nóng cháy, cây cỏ muốn héo khô, quán xá cũng xơ xác, nhiều ao suối gần cạn kiệt, con người ngột ngạt đến cơ khổ.

Đợt nắng nóng vào tháng 4-2019 đã dữ dội nhưng so với các ngày 17, 18 và 19-5 vẫn thua xa. Sáng sớm mặt trời đã đỏ rực như quả cầu lửa, đến 5 giờ chiều, nền nhiệt mặt đường vẫn chưa rơi xuống 39 độ C, qua 8 giờ tối hơi nóng vẫn phả như lò... nướng. Những căn nhà từ miền ngược đến miền xuôi, đồng bằng, ven biển, nhất là nhà có mái che sân bằng tôn, cứ hầm hập nóng. Những con đường, ngõ ngách đều quắt lại, nắng gắt khiến mắt bỏng sáng. Nhiều công việc ngoài trời gần như ngưng trệ. Mặc dù dịp cuối tuần nhưng đường sá thưa hẳn, đặc biệt tại TP Đông Hà cái nóng quay cuồng, như thiêu như đốt trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến khoảng 4 giờ chiều. “Gió Lào ni, nắng kiểu ri, chạy trên đường chỉ có quăn da cháy thịt, mà ở nhà lại không chịu nổi. May mà điện không bị cắt”, chị Phan Thanh Uyên (P.1, TP Đông Hà) nói khi dắt 2 đứa con nhỏ ào vào siêu thị Coopmark, nơi cũng có rất đông người đang “tránh nóng” bất đắc dĩ.

Đứng xôm tụ ở gian hàng trái cây, các cô các chị lại có dịp than thở. “Tháng vừa rồi sử dụng quạt, bật điều hòa tiết kiệm lắm nhưng tiền điện cũng tăng lên 1,2 triệu đồng rồi. Chừ mà nóng kiểu ni...”, chị Nguyễn Thị Huệ (Ngã Tư Sòng, H. Cam Lộ) không dám nói hết câu. Trong lúc đó, tại khu điều trị bệnh viện TP Đông Hà, một số người đưa chiếu cói lên thay chiếu nhựa ở giường bệnh, với hy vọng đuổi bớt cái khắc nghiệt ngày nóng kinh hoàng. “Ai di chuyển được thì cũng đi tìm chỗ mát thôi, quạt chạy mệt nghỉ nhưng nóng vẫn hoàn nóng, sờ tay vô chiếu mà lốt luôn”, chị Hồ Thị Vang lau mồ hôi vã ra như tắm.

Đồng bào vùng cao Quảng Trị quay quắt thiếu nước sinh hoạt trong ngày nắng hạn, khô kiệt.  

 Ngược lên Hướng Hóa, vùng sát sườn với Lào, tâm điểm của nắng nóng trong gió phơn Tây nam. Người dân chật vật với việc kiếm nguồn nước sinh hoạt. Đôi cánh tay đen cháy, khuôn mặt phờ phạc, lộ đôi mắt mệt mỏi, chị Pỉ Loan, xã A Xing (H. Hướng Hóa) leo qua con dốc cao, đôi vai là 2 can nước vừa chắt được từ giếng đắp ở suối nói: “Hạn hán kéo dài nhiều tháng, chừ nóng đỉnh điểm, nguồn nước tại sông suối càng cạn kiệt, phải chắt chiu, phải đi xa hơn”. “Biến đổi khí hậu, khô hạn khiến bà con áp lực về trồng trọt, sản xuất, nhất là cây sắn, cây chủ lực của A Xing bị ảnh hưởng nặng nề”, anh Hồ A Kiên cho biết.

Được biết, gần 200 ha/500 ha sắn của xã A Xing đã bị ảnh hưởng diện rộng do khô hạn thời gian qua, ngoài chủ động khôi phục lại diện tích, người dân cũng đã được hướng dẫn để chuyển đổi cây trồng. Xuôi về xã Triệu Nguyên (H. Đakrông), người dân cho hay số diện tích ngô, lạc xuống giống sau tết đang ở giai đoạn ra hoa kết trái thì gặp nắng hạn, phải nỗ lực vớt vát. Những đợt nắng nóng như thiêu đốt tháng 4 và tháng 5-2019 tiếp diễn, bà con nông dân không giấu được lo lắng đối mặt với hạn hán nghiêm trọng sắp tới.

Trước khi diễn ra đợt nóng kinh hoàng này, Quảng Trị có một cơn mưa vàng, tưới tắm cho ruộng đồng, đập, hồ chứa. Tuy nhiên, đợt nắng đang diễn ra dường như cố sức hút cạn. Theo Cty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi Quảng Trị, vào ngày 17-5-2019, ghi nhận tích trữ nước các hồ đập như Triệu Thượng 1 (đạt hơn 64%), Ái Tử (55,8%); Nghĩa Hy (58,5%); Kinh Môn (53,2%), Bảo Đài (67,5%), đập Trúc Kinh chỉ tích được 51%...đặc biệt La Ngà (44,7%), đập Tân Kim cũng chỉ đạt 33,1% dung tích...

Sáng ngày 19-5, sau một đêm nóng quay quắt, thời tiết Quảng Trị có vẻ dịu lại đôi chút nhưng đến trưa cái nóng trở lại nỗi ám ảnh. Đường vắng và trời vẫn cứ chói chang.

Nỗ lực bảo vệ giống sắn đợi mưa vàng xuống trên vùng giáp biên.

Người Đà Nẵng “trốn” nóng

Cũng chịu trận giống như những nơi khác, thời tiết tại Đà Nẵng oi bức khiến nhiều người hạn chế ra đường, tìm đến các quán cà phê có máy lạnh hoặc khu vực công cộng để tránh nóng. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân hạn chế lao động ngoài trời và tham gia giao thông trong khoảng thời gian từ 10 giờ trưa đến 15 giờ chiều.

Theo ghi nhận, trưa ngày 19-5 nhiệt độ thực tế ngoài trời tại Đà Nẵng tăng cao, sức nóng từ mặt đường nhựa, sức nóng động cơ các phương tiện lưu thông khiến nền nhiệt thực tế lên đến hơn 40 độ C. Hàng chục người dân mang theo giường xếp, chiếu, gối trải trên phần vỉa hè dưới chân cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng để hóng mát và ngủ trưa. Nhiều gia đình dẫn cả trẻ con và đưa người già đến để tránh nóng. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, bố anh già yếu, bị bệnh đang điều trị tại gia đình, phải ngồi xe lăn nên anh thuê taxi đưa ra đây cho thoáng đãng. “Thời tiết nóng bức khiến không khí trong nhà ngột ngạt, không tốt cho sức khỏe của người cao tuổi, nhất là người bệnh nên tôi đành chọn cách này”.

Tương tự, tại chân cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn cũng trở thành địa điểm để nhiều người lao động lựa chọn làm nơi nghỉ ngơi. Thời điểm nắng nóng, để thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát tại Đà Nẵng cũng mở các chiến dịch giảm giá. Tuy nhiên, nhiều người không chọn ở nhà và ship hàng thay vì đến cửa hàng trực tiếp để thưởng thức thông qua các ứng dụng ship hàng tận nơi như Now, Grap Food. Một số cửa hàng trong tình trạng đông đúc nhưng đa phần là nhân viên của các ứng dụng ship hàng chờ mua hàng theo đơn. Shiper Huỳnh Ngọc Hoàng, quê Quảng Nam, đang theo học tại một trường đại học chia sẻ, mặc dù vất vả do nhưng bù lại đơn đặt hàng nhiều và phí giao hàng được cộng thêm nên lấy đó làm động lực vượt qua thời tiết. “Thà chịu nóng chạy đi làm nhưng vẫn mát mẻ hơn so với ở phòng trọ chật hẹp, nóng bức rất nhiều”, anh Hoàng cho biết thêm.

Một số người dân chọn bờ sông Hàn để nghỉ mát, chống chọi với cái nắng.

Ngày 19-5, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho hay, do ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp nối với áp thấp phía tây, kết hợp với hiệu ứng phơn hoạt động mạnh nên tại TP Đà Nẵng tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày là từ 38-40 độ C, độ ẩm thấp nhất 40-50%. Tại huyện Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, nhiệt độ cao nhất là từ 38-40 độ C, độ ẩm thấp nhất là từ 40-50%; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, nhiệt độ cao nhất là từ 37-38 độ C, độ ẩm thấp nhất 45-55%. Dự báo, đợt nắng nóng tại TP  Đà Nẵng còn duy trì mức độ gay gắt trong ngày 20 và 21-5 với nhiệt độ cao nhất từ 38-40 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài trong 1-2 ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ, vùng núi Bắc Bộ. Cạnh đó, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, trong ngày 19-5, chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 7-10 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, ứng với mức ảnh hưởng, nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng gay gắt.

  * Tại Đà Nẵng, trùng với đợt nắng nóng đỉnh điểm ngày 18-5, Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng tạm ngừng cung cấp nước từ 13 giờ để thực hiện đấu nối hệ thống điện và mạng lưới đường ống cho dự án nâng công suất tại nhà máy nước Cầu Đỏ khiến đời sống người dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Đến 24 giờ cùng ngày, hệ thống cấp nước cơ bản phục hồi tại một số khu vực đầu nguồn. Tuy nhiên, nước chưa phục hồi hoàn toàn trên mạng lưới. Các khu vực Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Khu vực cuối nguồn nước chưa có hoặc yếu.

Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết, sau khoảng thời gian ngừng cấp, có thể xảy ra hiện tượng đục của bùn lắng trong đường ống. Khách hàng có thể xả nước trong vài phút, sau đó xả lại lần nữa, nước sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp nước vẫn có hiện tượng đục, khách hàng liên hệ số điện thoại 0898.190.053 để tiếp nhận thông tin và cử cán bộ kiểm tra và có hướng xử lý khắc phục kịp thời.

BÃO HÀ – MAI VINH

640 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 722
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 722
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77282681