Miền Trung muốn mạnh lên phải hướng ra biển lớn 

(Chinhphu.vn) - Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, tổ chức tại Bình Định, ngày 20/8.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sau 30 năm Đổi mới, miền Trung thực sự thay da, đổi thịt

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển của cả nước nói chung và miền Trung nói riêng, với mong muốn khu vực này tiếp tục tăng tốc, bứt phá, phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến sự trải dài của “khúc ruột” gồm 14 tỉnh, là “đòn gánh” hai đầu đất nước, dân số hơn 20 triệu người, chiếm 28% diện tích cả nước, là hành lang Đông - Tây và cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển, về lâu dài có thể kết nối với các nước trong khu vực. Từ đó, tạo nên hình thái địa chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, xã hội đặc biệt quan trọng của đất nước. Một dải bờ biển với 1.900 km giàu tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và bãi biển tươi đẹp cần được phát huy tiềm năng, thế mạnh đó để phát triển hạ tầng kinh tế biển, du lịch dịch vụ và đô thị ven biển.

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, hệ thống chính trị, chính quyền, quân và dân của các tỉnh trong khu vực đã thực sự “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Trong khu vực đã có 7 đô thị lớn, 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế ven biển, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, khu du lịch được hình thành và phát triển, hạ tầng giao thông và xây dựng phát triển tương đối, tạo điều kiện cho miền Trung phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Về định hướng phát triển miền Trung thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, với lợi thế kinh tế biển, cần quán triệt tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 năm 2018 xác định Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu về biển, phát triển bền vững và thịnh vượng kinh tế biển, an ninh và an toàn gắn với giữ vững quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế biển. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Xác định mục tiêu ưu tiên cho khu vực miền Trung phát triển

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần xác định mục tiêu đến năm 2030, thì phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản chế biến khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới.

Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng văn hóa biển, người dân gắn bó, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

“Cần tập trung các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn vào quy mô kinh tế của cả nước, thực sự trở thành vùng động lực và đầu tàu kinh tế cả nước”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Cụ thể, về du lịch, mỗi địa phương cần phải xác định rõ sản phẩm du lịch của mình, chỉ như vậy các tỉnh mới có thể định hướng chính xác cho nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm, đa dạng hóa thị trường để hướng tới tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần quan tâm đến việc tuyên truyền và nâng cao văn hóa ứng xử, tạo hình ảnh tốt đẹp, thân thiện và đặc sắc của du lịch miền Trung với du khách.

Về thủy hải sản, khai thác hải sản cần hướng đến mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó, chú trọng đến việc mục tiêu phát triển kinh tế, để ngư dân chủ động bám biển; hướng ngành thuỷ sản theo các chuẩn mực khai thác quốc tế, hạn chế các vi phạm. Phát triển đánh bắt xa bờ, thúc đẩy hậu cần nghề biển, phát triển hành lang hạ tầng phục vụ cho kinh tế biển…

Về công nghiệp chế biến, chế tạo, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến việc định vị chiến lược thu hút đầu tư, vì các tỉnh miền Trung có lợi thế đất và biển nên thuận lợi cho các ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, thép, cơ khí chế tạo… Do đó, các tỉnh cần có chiến lược rõ ràng để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Mỗi tỉnh có thể lựa chọn thu hút một vài đơn vị hạt nhân tạo bàn đạp cho sự phát triển và lan toả ra toàn vùng, cũng như chú ý bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, huy động sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, nhất là quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, lấy chỉ số PCI làm thước đo hiệu quả, không trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát huy thế mạnh của vùng, tránh "vướng chân nhau"

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý các tỉnh về quy hoạch tổng thể công nghiệp vùng. Hiện tại mỗi tỉnh miền Trung đều có ít nhất một khu kinh tế, dẫn đến cạnh tranh, nảy sinh tư duy cát cứ và ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng các dự án đầu tư, có thể dẫn đến hệ luỵ như ô nhiễm môi trường, khai thác quỹ đất kém hiệu quả, bất an về xã hội… Do đó, cần có quy hoạch để phát huy thế mạnh của từng tỉnh, nhưng có sự liên kết vùng hiệu quả. Tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế sức mạnh của nhau, phát huy sức mạnh tổng lực của cả khu vực miền Trung.

Đối với một số vấn đề lớn khác của vùng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế, phát triển bền vững kinh tế biển.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia, của vùng và vùng kinh tế ven biển làm trung tâm xây dựng các đô thị ven biển hiện đại. Quy hoạch xây dựng phải đi trước, xác định biển là trung tâm để tính toán cho quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, hoàn thiện các hệ thống giao thông kết nối Bắc-Nam, hệ thống đường ngang kết nối Đông-Tây, liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên, tăng cường liên kết miền Trung và Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển, đầu tư hạ tầng.

Trong đó, tập trung phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng thành công KHCN mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao.

Xây dựng các thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nâng cao sự đóng góp của KHCN, các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường hợp tác và chuyển giao KHCN.

Tạo điều kiện, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân hoạt động ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các tỉnh, thành phố trong các ngành kinh tế, lĩnh vực xã hội, tiến độ và công trình trọng điểm, dự án lớn, triển khai trên địa bàn phục vụ xây dựng và điều phối các kế hoạch liên kết vùng. Đẩy mạnh việc sắp xếp và kiện toàn các cơ quan, đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời, phát hiện và xử lý người đứng đầu vi phạm thực thi công vụ.

Hài hoà lợi ích trong quá trình thu hồi đất

Cũng theo Phó Thủ tướng, các tỉnh miền Trung cần triển khai cho tốt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về chống "tham nhũng vặt", tạo sự thông thoáng, công khai, minh bạch, trực tuyến khi xử lý các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, phát triển.

Phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải chú ý đến quốc phòng-an ninh, an sinh và thực hiện công bằng xã hội; nâng cao giá trị truyền thống văn hoá đạo đức; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá dân tộc làm nền tảng cho cho phát triển.

Củng cố quốc phòng-an ninh, nhất là biển đảo, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, các vấn đề khiếu kiện gây bức xúc dư luận xã hội, tạo thành điểm nóng.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các tỉnh chú ý đến chống tham nhũng thông qua việc phát triển các dự án. “Chúng ta thu hồi rất lớn diện tích đất của dân thì phải làm sao để Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều có lợi. Nhất là việc giải quyết chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phải đúng quy định của pháp luật, hài hoà các lợi ích, chống việc móc ngoặc, trục lợi chính sách, tham nhũng”.

Lê Sơn

487 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 732
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 732
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87082415