Người dân xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An gói bánh chưng tặng bà con vùng lũ (Nguồn ảnh: tuoitre.vn)

Mới chiều qua 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lệnh: các cấp các ngành không được để người dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất.

Và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp tục ứng phó với tình hình mưa đang diễn biến phức tạp đang là nhiệm vụ chính trực tiếp của các đơn vị liên quan và các địa phương trong vùng mưa lũ hiện nay.

Để hỗ trợ giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.

Những ngày qua, chúng ta đã thấy công tác cứu nạn, cứu hộ nhiều nơi đã được triển khai khẩn trương. Và ở đây, đã có những tấm gương hy sinh quên mình trong lúc làm nhiệm vụ. Điển hình tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Nhận được thông tin, Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, dẫn đầu cùng 12 đồng chí đến vùng đang gặp nạn. Trong hiểm nguy, cần sự cứu trợ khẩn trương, kịp thời, nên họ vẫn tiếp tục hành quân thực hiện mệnh lệnh từ trái tim, đi cứu người. Chỉ không may rằng các anh đã anh dũng hi sinh.

Gác lại những nỗi đau, người dân miền Trung ở Quảng Bình vẫn đang chìm trong biển lũ khi lượng mưa những ngày qua vẫn tiếp tục ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm, hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước. Và theo tiếng gọi vì Nhân dân, những người lính làm cứu nạn cứu hộ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ.

Những mất mát, đau thương do đợt lũ tháng 10 này mang đến không thể gọi là nhỏ. Đã có tới 132 người chết và mất tích tính đến thời điểm hiện nay. Hàng vạn ngôi nhà bị ngập, bị sập, hàng nghìn ha hoa màu, hàng nghìn gia súc, gia cầm… bị cuốn trôi. Đồng bào miền Trung đang phải liên tục gánh chịu những nỗi đau chồng chất nỗi đau. Có bao nhiêu của cải chắt chiu qua năm tháng, một nắng hai sương nhưng giờ… đã ra đi theo dòng nước.

Nhưng không để những người dân miền Trung ruột thịt phải một mình gánh chịu nỗi đau, tiếng gọi vì miền Trung ruột thịt đã vang khắp mọi miền của Tổ quốc. Hàng nghìn người dân, bằng những hành động thiết thực đều hướng về miền Trung thân yêu.

Ca sĩ Thủy Tiên đã đứng ra kêu gọi quyên góp để ủng hộ cho đồng bào lũ lụt miền Trung, con số đã chạm ngưỡng trên 100 tỷ đồng.

Không quản ngại mưa gió, nước lũ dâng cao, trên con thuyền cùng đoàn cứu trợ, cô cđã lặn lội đến tận nơi, đến từng ngôi nhà ngập lũ để chuyển những nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, sữa, nước uống…., kèm một ít tiền mặt.

Trong lúc bốn bề mênh mông nước như thế này, bà con miền Trung cần lắm những nhu yếu phẩm cần thiết để không bị đói, không bị khát, để có sức chống chọi với thiên tai khi nước vẫn ngập cao, chưa chịu rút.

Và khi nghe tin người dân nhiều huyện của Hà Tĩnh đang ngập sâu trong biển nước, người dân Nghệ An, từ các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp,…đã tổ chức nấu bánh chưng. Hàng trăm người cùng tham gia gói bánh, luộc bánh xuyên đêm để mong sớm chuyển đến các vùng lũ.

Và nhiều, nhiều người dân đã và đang có các kế hoạch thiện nguyện, đi vào vùng lũ hỗ trợ người dân.

Đó là những câu chuyện thấm đượm tình người để cùng hướng về miền Trung ruột thịt trong lúc người dân đang phải oằn mình để chống chọi với thiên tai, mưa lũ.

Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, khắp nơi, các Bộ, ngành đang cùng chung tay hướng về miền Trung. Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát động và tổ chức quyên góp mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tối thiểu một ngày lương. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương,... cũng đã tổ chức quyên góp giúp người dân miền Trung khắc phục lũ lụt. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương quyết định phân bổ số tiền 20 tỷ đồng từ nguồn cứu trợ trung ương quản lý để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung.

Không chỉ trong nước, các tổ chức quốc tế đã và đang cùng chia sẻ với những khó khăn, chung tay với người dân để ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ tới Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa.

Miền Trung đang oằn mình chống chọi với thiên tai, bão lũ, nhưng miền Trung không đơn độc! Bởi bên cạnh họ luôn là những người con của dân tộc Việt Nam với tinh thần “thương người như thể thương thân” trong lúc bần cùng, khó khăn!./.

 
BT