Miền Trung khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn châu Phi 

(Chinhphu.vn) - Nhằm ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương ở miền Trung đã lập chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế lấy mẫu lợn bệnh xét nghiệm, kết quả phát hiện ổ dịch tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Ảnh: VGP/Thế Phong

Ngày 19/3, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên. Ổ dịch xuất hiện tại hộ chăn nuôi của ông Tạ Hồng Uẩn ở thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).

Ngày 17/3, sau khi 1 con lợn nái chết với các triệu chứng bỏ ăn, sốt cao, da đỏ, gia đình ông Uẩn đã báo với chính quyền địa phương. Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng III (Cục Thú y) xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 18/3, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III, Chi cục đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền và xã Phong Sơn tiêu hủy toàn bộ số lợn còn lại của hộ ông Uẩn và tiêu độc khử trùng xung quanh nhà nuôi.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, xuống địa bàn chỉ đạo việc xử lý dịch bệnh. Ông Phương yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp các cấp, ngành tổ chức xử lý ổ dịch và tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn thôn 2 lần/ngày; giám sát chặt chẽ, nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe lợn tại các hộ nuôi trong khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu chính quyền địa phương lập 2 chốt kiểm soát để kiểm tra và tiêu độc khử trùng người ra vào vùng phát hiện bệnh; rà soát những nơi mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn để thực hiện không mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn tại thôn Hiền An.

Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi cần chú ý thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt hạn chế dịch lây lan.

 

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VGP/Thế Phong

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động của UBND Thành phố nhằm ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan của Bộ NN&PTNT.

UBND TP. Đà Nẵng giao Sở GTVT, Công an Thành phố chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kết hợp công tác tuần tra, kiểm tra về giao thông để xử lý việc vận chuyển lợn không có xuất xứ, nguồn gốc, không đảm bảo quy định của pháp luật trên địa bàn Thành phố; kịp thời thông báo đến Sở NN&PTNT để xử lý đúng quy định của pháp luật.

Công an Đà Nẵng chỉ đạo cảnh sát giao thông phối hợp, hỗ trợ Chi cục Chăn nuôi và thú y thực hiện kiểm dịch động vật thật nghiêm túc khi vận chuyển động vật để nhập, quá cảnh qua Thành phố đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước; xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp vượt trạm theo quy định của pháp luật.

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định về việc thành lập chốt kiểm dịch động vật phục vụ công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. 

Theo đó, 2 chốt kiểm dịch động vật được đặt 2 đầu mối giao thông phía Bắc và Nam của tỉnh, trên Quốc lộ 1A. Chốt thứ nhất tại xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn) và chốt 2 đặt tại xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành). Chốt kiểm dịch làm việc 24/24 giờ, thành viên gồm cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường.

Chốt kiểm dịch có nhiệm vụ kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm lợn đi qua chốt, xử lý tham mưu các trường hợp vi phạm theo quy định. Chốt kiểm dịch bắt đầu hoạt động từ ngày 20/3.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã nơi đặt chốt kiểm dịch và khu vực lân cận chốt kiểm dịch dự phòng sẵn địa điểm, tổ chức tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thế Phong

314 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 953
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 953
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87080327