|
Các địa phương miền Trung rất mong được sự chung tay góp sức của các tổ chức, các nhà khoa học.... |
Chống hạn
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu bị bỏ hoang dọc dài khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nguồn nước tưới tại chỗ đã cạn kiệt, trong khi nước từ hệ thống thủy lợi lại không đến được do nước tại các hồ chứa đã xuống mực nước chết. “64/165 hồ chứa đã cạn nước và đang tiếp tục giảm mạnh. Theo tính toán, lượng nước tại các hồ chứa còn lại cũng chỉ khoảng 323 triệu m3, đạt 55% dung tích thiết kế, bằng 80% so cùng kỳ năm 2019. Với lượng nước hiện có, vụ hè thu năm nay, tỉnh Bình Định chỉ sản xuất 37.256 ha lúa và 11.199 ha cây trồng cạn, bỏ trống 5.165 ha”, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định thông tin.
Huyện Hoài Ân là một trong những địa phương ở tỉnh Bình Định đang bị ảnh hưởng nặng do khô hạn, ngành nông nghiệp địa phương này đã hướng dẫn không gieo sạ lúa trên diện tích 317 ha. Tiếp đến là huyện Phù Cát, số diện tích bỏ trống do hạn hán khoảng 300 ha; 668 ha đất sản xuất kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng cạn. Huyện Phù Mỹ cũng nằm trong tình trạng chung, nhưng diện tích bỏ trống gấp 3 lần huyện Phù Cát với 1.200 ha.
“Tại 73 hồ chứa thủy lợi trong toàn tỉnh Quảng Nam, tổng lượng nước thiếu so với quy trình khoảng 74 triệu m3. Đối với các hồ thủy điện, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích lên đến 653 triệu m3”, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết.
Đặc biệt, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nông dân đã không thể vào vụ trồng hành, tỏi vì không có nguồn nước tưới. “Dự kiến vụ hè thu toàn huyện có khoảng 400 ha đất trồng hành, tỏi, nhưng vì hạn hán kéo dài, không có nước tưới nên chỉ có khoảng 40% diện tích được xuống giống, còn lại người dân bỏ hoang hoặc chuyển qua cây trồng khác”, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn chia sẻ.
Cấp bách chống hạn cũng đang đặt lên vai chính quyền tỉnh Phú Yên. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã lên kịch bản chống hạn và nhiễm mặn theo 3 giai đoạn: Giai đoạn I sẽ khoan mới 16 giếng nước, 8 túi dự trữ nước và 11 bồn dự trữ nước; Giai đoạn II thực hiện khoan mới 13 giếng, đào thêm 11 giếng, 6 túi dự trữ nước và 5 bồn chứa nước; Giai đoạn III thực hiện khoan 32 giếng, đào thêm 57 giếng, 30 túi dự trữ nước và 6 bồn dự trữ.
Và chống dịch
Hơn một tháng sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nhịp sống người dân cả nước cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường, phương tiện trên xa lộ đã bắt đầu tấp nập, khu du lịch đã nhộn nhịp bước chân du khách, bãi biển đã đông vui vào mỗi buổi chiều… Tuy nhiên, ở những địa phương, đặc biệt các địa phương có vùng biên giới và địa phương có nhiều người từ nước ngoài về, công tác phòng chống dịch vẫn cực kỳ nghiêm ngặt, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Vừa tập trung chống hạn, vừa phải phòng, chống dịch bệnh, các địa phương miền Trung rất mong được sự chung tay góp sức của các tổ chức, các nhà khoa học...
Đà Nẵng, trung tâm kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng, trong đó có sân bay quốc tế Đà Nẵng, vẫn đang trên tuyến đầu chống dịch khi tiếp nhận, cách ly, theo dõi hàng trăm công dân Việt Nam về từ Italia, Malaysia, Đức và Tây Ban Nha tại các cơ sở cách ly theo quy định trên địa bàn thành phố.
Nếu ở nội thị, công tác chống dịch có phần “dễ thở” hơn, thì ở vùng biên trải dài qua các tỉnh miền Trung, việc chống dịch có những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng giữa hai quốc gia trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt qua các cửa khẩu quốc tế và cả những khu vực đường mòn.
Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị đã đón và thực hiện cách ly đối với gần 14.000 người lao động trở về từ Lào và Thái Lan. Toàn bộ số lao động này được cách ly tập trung tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; được quản lý, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt.
Tại đồn biên phòng A Nông (tỉnh Quảng Nam), giáp ranh với cụm bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào), bên cạnh việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát địa bàn biên giới, còn thành lập 4 chốt kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ việc đi lại của người dân địa phương và bà con ở các cụm bản của Lào qua khu vực biên giới. Đồng thời, kết hợp tổ chức tuyên truyền đồng bào hai bên biên giới chấp hành tốt các quy định về biên giới, lãnh thổ quốc gia, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, vận động bà con cùng góp sức cho nhiệm vụ chung, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng luôn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại tất cả các đường mòn, lối mở; không chủ quan, lơ là.