Dù áp dụng nhiều biện pháp xử phạt nhưng các ngành chức năng vẫn không thể kiểm soát và gần như “bó tay” với các dịch vụ xe đưa đón tận nhà đang hoành hành ở các tỉnh miền Trung.
Cần là có ngay
Mặc dù Đà Nẵng có bến xe trung tâm với hàng trăm chuyến mỗi ngày đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước nhưng nhiều hành khách vẫn lựa chọn “xe dù” do tiện lợi vì được đưa đón tận nơi. Trong đó, nổi cộm là dịch vụ xe Limousine từ TP. Đà Nẵng đi các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Hành khách muốn đi chỉ cần gọi đến số hotline mà các nhà xe này quảng cáo sẵn trên mạng.
Sau khi gọi đặt vé, khách hàng được nhà xe đến đón tận nhà. Theo khảo sát của PV, tại Đà Nẵng có rất nhiều loại hình dịch vụ này do các đơn vị tư nhân cung cấp, tuy nhiên không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Phần lớn đây là các loại xe 16 chỗ được nhà xe cải tạo lại thành xe 10 chỗ với nhiều tiện nghi bên trong. Giá vé cho mỗi lượt đi Đà Nẵng - Huế là 160.000 đồng, trong khi xe khách chỉ 60.000 đồng. Tương tự, giá vé Đà Nẵng - Quảng Trị là 180.000 đồng.
Tại TP. Huế, tình trạng trên diễn ra như vậy, hành khách mua vé chỉ cần “alo là có ngay”. Tuy nhiên, chiều đi từ Huế đến Đà Nẵng, các xe khách “chui” này phải đi tuyến đường từ đèo Hải Vân về đường Nguyễn Tất Thành để qua mặt lực lượng chức năng. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đến địa điểm nằm ở khu vực trung tâm thành phố từ đường Nguyễn Lương Bằng về đường Tôn Đức Thắng - TP. Đà Nẵng thì các tài xế từ chối bởi lý do “dễ bị CSGT bắt”.
Tỉnh Quảng Nam hiện nay nổi lên dịch vụ xe “80 ngàn” đi Đà Nẵng. Giá vé mỗi lần đến Đà Nẵng là 80.000 đồng. Hành khách sau khi đặt vé thì được nhà xe đón tận nơi bằng xe Innova 7 chỗ.
Khó xử phạt
Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp thanh tra, xử phạt nhưng cơ quan chức năng các tỉnh miền Trung gần như “bó tay” với các dịch vụ “chui” này. Các nhà xe phần lớn nắm được các chốt chặn kiểm tra của cơ quan chức năng nên thường lách bằng cách đi đường vòng để qua mặt. Ngoài ra, các xe khách này hoạt động rất kín kẽ, bên ngoài không có biểu hiện là xe đưa đón khách mà hoạt động giống như xe cá nhân nên rất khó xử phạt.
Nói về vấn nạn trên, một lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết các dịch vụ xe khách “chui” đón khách trá hình hoạt động ngày càng tinh vi. Nhiều nhà xe sử dụng biện pháp ứng phó lực lượng chức năng như vẽ ra các hợp đồng nhằm để khách ký và qua mặt lực lượng CSGT. Các nhà xe đã chuẩn bị sẵn hợp đồng và khi có cơ quan chức năng lập tức xuất trình để né xử phạt. Bên cạnh đó, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, các nhà xe còn quanh co, viện đủ lý do nhằm không hợp tác.
Thừa nhận vấn nạn trên, ông Bùi Thanh Thuận - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, các dịch vụ xe đi ké ngày càng “nở rộ” và cơ quan chức năng đã tìm mọi biện pháp để ngăn chặn. Theo ông Thuận, các phương tiện trên thực hiện dịch vụ đưa đón tận nơi, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các tuyến cố định. Ông Thuận cho hay, Sở GTVT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế và ngăn chặn tình trạng hoạt động của các dịch vụ xe trên
“Bến cóc” ngay trước bến xe Đà Nẵng
Dù đã thực hiện ráo riết công tác kiểm tra nhưng tình hình “bến cóc” trước Bến xe Trung tâm TP. Đà Nẵng vẫn diễn ra như thường lệ. Trước đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã đích thân vi hành tại khu vực này. Sau đó, TTGT TP. Đà Nẵng đã liên tục chốt chặn trên đường Tôn Đức Thắng đối diện bến xe nhằm ngăn tình trạng tình trạng đón khách sai quy định. Tiếp đó, TP. Đà Nẵng đã thực hiện việc lắp camera tại khu vực này nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.
|
PHẠM TRỌNG NGHỊ