Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

 

Thực tế, so các thị trường vốn trên thế giới, thị trường vốn Việt Nam, đặc biệt là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn rất non trẻ. Cụ thể, trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh mới chỉ được thành lập vào tháng 7/2000. Đến năm 2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được thành lập và hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung, tổ chức thị trường thứ cấp cho các chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế thỏa thuận.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng mới chỉ thành lập vào năm 2006. Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán giai đoạn 2011- 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh, đạt 84% GDP năm 2020, tương đương 227 tỷ USD, gấp hơn 7,3 lần so năm 2010.

Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng được tiếp cận những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tài chính nên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, kèm với đó là những hành vi lừa đảo, gian dối, lũng đoạn thị trường cũng nhanh chóng xuất hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Những hành vi này đều nhắm tới mục đích chung là điều chỉnh giá cổ phiếu để trục lợi. Các đối tượng có thể sử dụng hàng chục tài khoản chứng khoán khác nhau để mua bán cùng một cổ phiếu nhằm tạo cung cầu giả, từ đó có thể đẩy giá cổ phiếu lên để bán hoặc ghìm giá cổ phiếu xuống đề mua, sau đó tiếp tục đẩy giá lên để bán. Việc “xào nấu” số liệu tài chính để tạo doanh thu, lợi nhuận đột biến hoặc tạo dựng các đối tác lớn, nước ngoài tham gia làm cổ đông hoặc tham gia dự án... cũng được sử dụng để điều chỉnh giá cổ phiếu theo chủ ý. Hệ quả khiến giá cổ phiếu tăng hoặc giảm nhiều lần.

Một trong những vụ việc bị phát hiện gần đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Thị Hinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty KSA), người đã sử dụng 69 tài khoản để thực hiện lệnh mua - bán, tạo cung cầu giả trên thị trường để thu hút các nhà đầu tư giao dịch mã cổ phiếu KSA, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư với số tiền lớn.

Vụ việc Bùi Thiện Lý, Đỗ Hữu Tài thành lập Công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã: MTM), không có vốn, không hoạt động kinh doanh nhưng vẫn được niêm yết lên sàn chứng khoán, sau đó, thao túng giá cổ phiếu MTM, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư gần 100 tỷ đồng. Vụ việc ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã: JVC) bị xử lý hình sự vì hành vi thao túng giá cổ phiếu JVC.

Gần đây nhất là vào ngày 29/3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) về tội thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự vì đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu FLC và các công ty khác trong hệ sinh thái Tập đoàn FLC.

Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ việc thao túng thị trường chứng khoán khác bị phát hiện nhưng chỉ dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính, như vào tháng 9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với ông Lê Mạnh Thường (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân) và bà Phạm Thị Phương về hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định ông Thường và bà Phương đã sử dụng đến 50 tài khoản chứng khoán để giao dịch, nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu. Vụ việc khiến 12 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Chính vì việc xử lý còn quá nhẹ khiến những hành vi thao túng có thể vẫn đang âm thầm diễn ra, thể hiện qua việc một số cổ phiếu tăng giá hàng chục lần mặc dù kết quả kinh doanh cũng như thông tin hoạt động không có gì nổi bật. Chẳng hạn như cổ phiếu: ATA, chỉ được giao dịch vào thứ sáu và thua lỗ nhiều năm liên tiếp nhưng cổ phiếu này tăng giá 21 lần trong năm 2021. Hay cổ phiếu TGG cũng tăng giá 16 lần trong năm 2021, từ mức 1.200 đồng/cổ phiếu đầu năm đến mức 20.400 đồng/cổ phiếu cuối năm, thậm chí TGG còn đạt mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 22/9/2021…

Tương tự trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian qua cũng liên tục “nóng" với những lùm xùm từ chuyện phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Mới đây nhất, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt; Công ty CP Cung điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil. Đây là ba doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” Tân Hoàng Minh.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trên của nhóm doanh nghiệp này. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/4/2022.

Cho dù ngay sau khi quyết định này được ban hành và có hiệu lực, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đưa ra khẳng định, trong trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là các đợt phát hành trái phiếu của ba doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” Tân Hoàng Minh “thời gian qua đều được tư vấn phát hành, tư vấn định giá và quản lý tài sản đảm bảo theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, được thực hiện bởi các công ty chứng khoán, ngân hàng uy tín trên thị trường”. Nghĩa là trách nhiệm ở đây không chỉ là doanh nghiệp làm ăn gian dối mà còn cần làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Bởi hệ quả đương nhiên từ vụ việc này là sự suy giảm lòng tin của giới đầu tư vào tính minh bạch, sự hấp dẫn của thị trường này.

Mới đây, theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại kỳ họp thứ 13 (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28 - 31/3), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và TTCK, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức Đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Sự quyết liệt trong việc xử lý những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan thẩm quyền quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm làm trong sạch bộ máy quản lý thị trường chứng khoán đã được đông đảo quần chúng nhân dân, các nhà đầu tư hết sức ủng hộ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng mong mỏi Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi gian dối, thao túng thị trường chứng khoán của các tổ chức, cá nhân như trường hợp Trịnh Văn Quyết để bảo đảm thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động lành mạnh, minh bạch, trở thành kênh đầu tư, kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.

Và không phải ngẫu nhiên, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá, tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Hoan nghênh Bộ Công an và các cơ quan chức năng vừa qua đã vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.

Thủ tướng nêu rõ, vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả đáng ghi nhận là do thời gian qua, với sự kiên trì, nhất quan, Chính phủ đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam không lỡ nhịp với xu thế chung của thế giới. Lòng tin của người dân và doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền tăng lên; bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, đánh giá tích cực về Việt Nam.

Thực tế minh chứng, đông đảo nhà đầu tư đã không mất niềm tin trước những hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân, tổ chức và đã không quá hoảng loạn vì những sự việc nói trên nhờ sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng. Việc thị trường chứng kiến những điều chỉnh theo hiệu ứng “cháy lan” sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn và đây có thể là dịp tốt để mua vào cổ phiếu cơ bản với giá tốt. Và khi những tiêu cực được xử lý nghiêm minh, nó sẽ giúp thanh lọc thị trường, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư rằng “thị trường chứng khoán là nơi để đầu tư chứ không phải là đánh bạc”. Nếu doanh nghiệp có tiềm lực thật sự, hoạt động minh bạch thật sự sẽ luôn trụ vững và nhanh chóng vượt qua sóng gió, khủng hoảng, giá cổ phiếu sẽ trở lại giá trị thực.

Không chỉ vậy, trong những năm qua, theo đánh giá khách quan của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và các tổ chức xếp hạng quốc tế, vị thế, uy tín của Việt Nam cũng như sức hút từ cạnh tranh quốc gia, sự hấp dẫn từ cải cách thể chế và môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có sự tăng triển đáng kể. Mới đây, Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 đã được các cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt. Lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam để đạt được mức Đầu tư trong 10 năm tới đã được xác định rõ nét, bao gồm sự kết hợp giữa các mục tiêu định lượng và định tính của thị trường vốn Việt Nam.

Và thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn phấn đấu từ cận biên lên mới nổi, cơ hội nâng hạng thị trường sẽ rộng mở hơn nhờ những thay đổi về tính chuyên nghiệp, sự chặt chẽ và sự nghiêm minh của pháp luật trong việc mạnh tay chặn đứng hành vi gian dối, thao túng, lũng đoạn… nhằm tái thiết lập sự minh bạch, uy tín của thị trường vốn Việt Nam./.

 
Minh Phương