Mãi mãi khắc sâu lời thề thiêng liêng 

Vào lúc 14 giờ, ngày 2/9/1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, trên lễ đài trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập1, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một Kỷ nguyên mới cho dân tộc - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Trong bản Tuyên ngôn bất hủ đó, chứa đựng lời thề thiêng liêng mà suốt trong 78 năm qua (1945- 2023), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc sâu, quyết tâm thực hiện: “… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tính từ ngày 01 tháng 9 năm 1858, khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta tại Đà Nẵng đến ngày 02 tháng 9 năm 1945, thời điểm lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập là 87 năm. Khoảng thời gian đó, Nhân dân ta rên xiết dưới ách thống trị hà khắc, thâm độc của thực dân Pháp. Từ một đất nước có tinh thần yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm, Việt Nam đã rơi vào thảm cảnh mất độc lập dân tộc. Khi hoàn thành xong các mục tiêu bình định, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, ra sức vơ vét của cải, tài nguyên của đất nước ta. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, chỉ tính riêng giai đoạn 1936 - 1939, thực dân Pháp đã lấy đi của chúng ta hơn 80 tỉ tấn than đá (“Giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 1936 - 1939 của GS Trần Văn Giàu). Về chính trị, thực dân Pháp chia đất nước ta thành 3 kỳ để dễ bề cai trị; về văn hóa chúng thực hiện chính sách ngu dân. Đất nước mất độc lập, người dân Việt Nam trở thành nô lệ.

          Trước cảnh “Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu”, mất chủ quyền quốc gia, biết bao văn thân, sĩ phu yêu nước bằng những con đường, hình thức, phương pháp khác nhau đã tổ chức các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các phong trào đấu tranh đó đều bị thực dân Pháp đán áp dẫn đến thất bại.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khâm phục tinh thần đấu tranh của các văn thân, sĩ phu yêu nước, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước đó và quyết định chọn đất Pháp để đến, tìm hiểu sự “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” trên đất nước này. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Người trở về đất nước, lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc, đưa Nhân dân ta từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ đất nước.

          Từ hành trình tìm đường cứu nước, tiếp thu ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin dẫn tới sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, việc tổ chức các tầng lớp nhân dân làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến việc đề ra các quyết sách cấp bách2 để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ là sự thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

          Sau khi giành được chính quyền, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, 95% dân số mù chữ, ngân khố quốc gia chỉ còn 1 triệu đồng, nạn đói xảy ra lấy đi sinh mạng của hơn 2 triệu đồng bào ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia đã không ít lần đàm phán với Pháp nhưng đã không thành vì thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa. “Không chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác là lời hịch hồn thiêng sông núi, vang vọng mãi ngàn năm, đã thúc giục hàng triệu người dân Việt Nam đứng lên chiến đấu, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đất nước ta bước vào thời kỳ chống Pháp xâm lược với đường lối trường kỳ kháng chiến, toàn dân, toàn diện và đã làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

          Với Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước ta tạm chia làm 2 miền Nam - Bắc. Đế quốc Mỹ - tên đầu sỏ sen đầm quốc tế nhảy vào miền Nam nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của chúng và âm mưu lâu dài chia cắt đất nước ta. 9 năm kháng chiến, chúng ta chỉ giành được một nửa nước, không còn con đường nào khác là thực hiện cách mạng tiến công, đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta trải qua 21 năm với bao gian khổ, hy sinh, không có nơi nào từ thành thị đến nông thôn trên đất nước chúng ta không bị bom đạn Mỹ cày xới. Nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cả nước đoàn kết, phát huy truyền thông yêu nước, thống nhất ý chí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại của dân tộc ta, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc ta.

          Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược đã kết thúc 117 năm nước ta bị chủ nghĩa thực dân phương Tây đô hộ, thể hiện tinh thần bất khuất, không chịu làm nô lệ, ý chí quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc ta trước ngoại bang xâm lược, bảo vệ nền độc lập nước nhà.

          Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động quốc tế ráo riết chống phá cách mạng nước ta, đế quốc Mỹ thực hiện chính sách bao vây cấm vận gây bao khó khăn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Trong khi đó, chiến tranh biên giới phía Nam, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra gần như đồng thời, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết nhằm giữ vững độc lập dân tộc, tạo tiền đề để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

          Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, đất nước ta đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, thế và lực gia tăng, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Thế nhưng, các thế lực thù địch tìm trăm phương ngàn kế để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, chuyển hóa chế độ chính trị - xã hội trên đất nước ta.

          Dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Nhân dân ta phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công cuộc đổi mới đất nước, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân.

          Có được những thành tựu vẻ vang như ngày hôm nay, phải khẳng định giá trị của sự khởi đầu giành độc lập dân tộc “Một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền trong toàn quốc”. Và ngày nay, nhắc đến ngày lễ Quốc Khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc; là dịp để mọi người trên đất nước Việt Nam cùng nhớ tới những công lao hy sinh to lớn của các cha ông đi trước. Nhớ lại chặng đường lịch sử gian khổ và hào hùng, từ đó càng quyết tâm tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, vững bền. Dù năm tháng đi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản Tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên. Ngày Quốc Khánh 2/9 như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay khi sinh ra trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, súng đạn và chiến tranh, phải luôn luôn học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với các thế hệ cha ông đi trước đã kiên cường bất khuất đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Phan Văn Lãn

-------------------------------------------

            1. Từ Chiến khu cách mạng Tân Trào, ngày 22/8/1945, Bác Hồ về Hà Nội. Tối ngày 25/8, Người vào nội thành, ở nhà ông Trịnh Văn Bô, tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sáng 26/8/1945, Bác Hồ triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn các chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, thông qua danh sách Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa để Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào. Ngày 27/8/1945, Bác Hồ triệu tập cuộc họp Ủy ban Dân tộc giải phóng, đề nghị thi hành chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trong ngày hôm đó, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ và đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người chuẩn bị. Người đưa bản thảo để các thành viên Chính phủ xét duyệt, đề nghị duyệt kỹ, vì theo Người “Ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe”. Trong các ngày 28 và 29/8/1945, vào ban ngày, Bác đến trụ sở của Chính phủ lâm thời tại 12 - Ngô Quyền, Hà Nội làm việc. Tại đây, Người dành phần lớn thì giờ soạn thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Buổi tối, Người trở về tại 48 - Hàng Ngang, một căn buồng vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách, vừa là nơi làm việc và tự đánh máy “Tuyên ngôn Độc lập”. Ngày 30/8/1945, Bác Hồ mời một số cán bộ đến trao đổi, góp ý cho bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập”. Người đọc cho mọi người nghe và hỏi ý kiến. Hôm sau, Người bổ sung hoàn chỉnh. Bản Tuyên ngôn Độc lập có 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu. Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, gồm 3 phần chính: (1) Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn; (2) Cơ sở thực tiễn của bản Tuyên ngôn và (3) Lời tuyên bố độc lập. Đây là một văn kiện lịch sử chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế (Nguồn: Ban Tuyên giáo TW).

            2. Như: Cải tổ Ủy ban giải phóng dân tộc thành Chính phủ lâm thời; công khai danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời trước khi Vua Bảo Đại thoái vị; ra mắt Chính phủ lâm thời, công bố Tuyên ngôn độc lập trước khi quân đồng minh kéo vào; mở rộng, cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp lâm thời; Đảng ta rút vào hoạt động bí mật; xác định kẻ thù chính của cách mạng là thực dân pháp, v.v.. (Nguồn: Ban Tuyên giáo TW)

 

 

 

642 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 939
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 939
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87040322