"Mạ Xưng", người mẹ nuôi của lính biên phòng Quảng Trị 

(GĐVN)- Ngôi nhà lụp xụp, xỉn màu của bà Trần Thị Xưng - nữ du kích (1972- 1975) từng là nơi lưu dấu của nhiều thế hệ bộ đội biên phòng Quảng Trị khi cắm chốt biên giới.

Vào những ngày cuối tháng 7 ngôi nhà bà Trần Thị Xưng (SN 1953, trú tại khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) ở cạnh sông Sê Pôn, ngó qua biên giới Việt - Lào lại sôi động hơn bởi câu chuyện của những năm bà cưu mang bộ đội. Ngôi nhà ba gian đã trải qua nhiều biến cố hiện đã xuống cấp, xỉn màu nhưng là minh chứng rõ nét cho sự khắc ngiệt của vùng đất lửa và là nơi đã in biết bao dấu chân của những người lính biên phòng Quảng Trị.

115960403_723227611807030_3698502644738459573_n

Bà Trần Thị Xưng người mẹ nuôi của lính biên phòng Quảng Trị

Thấy có khách lạ bà Xưng vội chạy vào thay chiếc quần đục màu và gọi chồng mình là ông Trần Văn Ưu (1951) chuẩn bị ấm nước trà mời khách. Người phụ nữ gầy ốm với vẻ hiền lành dịu dàng này chính là người “mạ nuôi” một thời của nhiều chiến sỹ biên phòng hoạt động tại khu vực biên giới Việt – Lào mà đến nay biết bao chiến sĩ vẫn trìu mến gọi là mạ Xưng.

Trong câu chuyện về những tháng ngày bom đạn đã qua, bà Xưng chia sẻ, khoảng hơn 25 năm trước, khu vực biên giới nơi bà sống là vùng đất phức tạp. Đời sống của bộ đội biên phòng ở Đồn cửa khẩu Lào cũng vì thế mà vô cùng khó khăn, vất vả. Giữa bộn bề khó khăn đó bà Xưng là người đã đứng ra nuôi bộ đội cắm chốt từ năm 1994. Đến năm 2002 thì vơi dần nhưng từ căn nhà này, nhiều thê hệ chiến sỹ đã gắn bó nhiều năm trước khi thuyên chuyển đi nơi khác.

Còn nhớ, sau trận lụt lớn những năm đó nước sông Sê Pôn lên cao đã cuốn trôi lán trại ở cột mốc R2 khiến các chiến sỹ không còn nơi trú ngụ. Thấy tình cảnh của các chiến sỹ bộ đội bà không kìm được nước mắt nên đã ngỏ ý “Các con về ở với mạ, mạ nấu cho mà ăn”!. Sau câu nói chứa đựng đầy tình thương yêu ấy, ngôi nhà đơn sơ của bà Xưng bắt đầu đón chào những thành viên mới, không phải là người thân máu mủ mà chính là những người chiến sỹ biên phòng.

115824863_299709231471184_7196441641129757866_n

Mẹ Xưng bên những chiếc xoong, nồi từng nấu cơm cho lính biên phòng.

“Cơ duyên để có những ngày tháng gắn kết quân dân đến với tôi là bởi tình thương Thời gian ấy, trong nhà lúc nào cũng có 4 đến 5 chiến sỹ biên phòng. Có đợt cao điểm tăng cường phòng chống buôn lậu qua biên giới sông Sê Pôn thì lên 7 đến 8 người. Đồng lương thì ít ỏi nhưng vừa trực chốt, tuần tra vừa vật lộn với tình trạng vượt biên, buôn lậu nên chuyện cơm nước, giặt áo quần của các “con” một mình tôi lo toan hết”, bà Xưng cho biết.

Giới thiệu về phòng tắm bên cạnh cái giếng ở sân bà Xưng kể: "Phòng tắm này là “thằng Tâm” xây đấy. Mấy anh em trong chốt lên nhà đày Lao Bảo lượm gạch sót lại về để nó xây. Mới đó mà hơn 20 năm. Nhiều lần muốn đập bỏ nhưng chồng tôi cứ bảo để vậy cho nhớ. Lúc nào lỡ anh em có về thăm thì còn cái kỷ niệm để mà trò chuyện”.

Là một trong số những người từng ăn cơm mẹ Xưng, chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam, Thiếu tá Nguyễn Đức Chiến - Trạm Kiểm soát Cửa khẩu phụ Thanh, Đồn Biên phòng Thanh, Hướng Hoá cho biết: "Tôi ở nhà mạ Xưng từ năm 1997 đến năm 2002. Nhờ mạ bao bọc, chăm sóc mà anh em chúng tôi đỡ vất vả, tập trung vào nhiệm vụ tuần tra biên giới, phòng chống buôn lậu. Rất nhiều anh em xem ngôi nhà này là ngôi nhà gắn kết yêu thương như chính mình sinh ra và lớn lên ở đây".

“Mạ Xưng sống vô tư, giàu tình yêu thương. Đi làm về mạ lo cơm nước đầy đủ, lúc ngủ có mạ lo dém mùng. Chúng tôi không thể nào quên những tháng ngày như thế”, Thiếu tá Chiến xúc động.

Những năm đầu 2000, biên giới Lao Bảo được xem là điểm nóng của hàng lậu, trong đó địa bàn khóm Duy Tân trở thành tâm điểm vì có nhiều bến đò để thẩm lậu hàng hoá. Chính vì thế, nhà bà Xưng nuôi, đùm bọc bộ đội biên phòng đã trở thành mối lo ngại khiến nhiều người không thích, thậm chí thù hằn.

“Tôi có chiếc ghe nan bỏ dưới bến sông làm kế mưu sinh cũng bị đội quân buôn lậu đốt phá vì nhà nuôi bộ đội chống buôn lậu. Không những thế, có những đứa đi buôn (lậu) còn doạ đốt cả nhà”, bà Xưng kể lại.

Căn nhà bà Xưng nằm sát sông Sê Pôn, thuộc vùng trũng nhất của thị trấn Lao Bảo nên năm nào cũng hứng chịu những trận lũ lụt. Vào năm 1996, khi nước lũ dâng cao cuốn trôi mọi thứ, trong lúc các “con” đang dọn những lớp bùn dày đóng dưới nền nhà có người ngước đầu lên hỏi: “Mạ ơi hôm nay ăn gì”? Nghe vậy bà Xưng vội chạy lui sau vườn chặt buồng chuối lùn trên cây chuối vừa bị lụt quật ngã. Lúc này trong xóm có nhà mổ lợn chết do nước lụt nhấn chìm, bà vội sang mua 5 lạng thịt mỡ kho với chuối. Đó là bữa ăn nhớ mãi vì món chuối kho thịt mỡ trở thành món chính trong rất nhiều những bữa ăn sau. 

“Bảy tám năm nuôi bộ đội trong nhà, coi như con, đứa này đi thì đứa khác đến. Có đứa ở lâu, đến khi đi thì nhớ quay quắt đến nỗi nhìn cái áo, chiếc mũ nó để lại cũng chảy nước mắt vì nhớ”, bà Xưng ngậm ngùi.

Được biết, bà Xưng là du kích 1972 - 1975 của xã Triệu Phước (Triệu Phong). Bà từng được Chủ tịch nước trao tặng huy chương kháng chiến hạng nhất. Giờ đây tuổi đã cao, sức đã yếu lại bệnh tật nên ước mơ xây dựng ngôi nhà mới sau nhiều năm vẫn còn dang dở.

116016840_338907340460036_8165799666528165077_n

Bà Xưng từng được nhận Huân chương kháng chiến hạng chiến do Chủ tịch nước trao tặng

Trước câu chuyện của bả Thượng tá Trần Tuấn Anh - Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị cho biết, anh sẽ kêu gọi anh em chiến sỹ biên phòng, các nguồn lực của xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xưng dựng một căn nhà mới khang trang hơn cho bà Xưng.

“Năm xưa mạ Xưng không tính hơn thiệt, chăm sóc bộ đội như chăm con. Giai đoạn cực khổ, nghèo khó mà tấm lòng mạ vẫn rộng mở. Giờ đây mạ khó khăn, các con không thể ngó lơ. Phải vận động để xây mới căn nhà cho mạ, làm được điều đó mới đền được ơn mạ”, Thượng tá Trần Tuấn Anh cho biết.

Nguyễn Hiền

198 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 620
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 620
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77433449