M&A tại Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) – Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi họp báo.

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Ban tổ chức Diễn đàn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A 2018 với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 8/8 tới.

Tại buổi họp báo, theo nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016.

Trong đó, thương vụ kỷ lục nhất là ThaiBev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỷ USD đã được tạo lập trong năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017). 

Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 - 6,9 tỷ USD. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016, để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra đánh giá, nếu năm 2016 là năm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối, thì năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp đó là ngành bất động sản (27%), Tài chính – ngân hàng (4%), Vật liệu hóa chất (3%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản chiếm ưu thế (66,75%).

Theo các chuyên gia, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Riêng trong năm 2017, điển hình trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối, với thương vụ mua lại công ty đầu ngành sản xuất và phân phối bia (Sabeco), Thái Lan đã dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Singapore đang tạm dẫn đầu với những thương vụ đầu tư lớn của GIC.

Dự báo, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chia sẻ, Diễn đàn M&A năm nay sẽ diễn ra trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dự kiến vào tháng 10/2018), được kỳ vọng sẽ đưa ra các khuyến nghị hữu ích nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức M&A một cách có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới này.

Đây là năm thứ 10 Diễn đàn được tổ chức. Diễn đàn năm nay sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TPHCM), vào ngày 8/8/2018.

Hiền Minh

591 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 629
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 629
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86273520