Lý do lệ thành công các thương vụ M&A chưa cao?
Theo thống kê của Hãng Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, mỗi năm tổ chức này tư vấn cho khoảng từ 40 - 50 giao dịch M&A và nhận thấy nhiều khó khăn chủ quan khiến cho thương vụ bất thành xuất phát từ chính nội tại DN ở Việt Nam.
Lý giải thực tế này, ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính (Deloitte Việt Nam) nhận xét phần lớn các DN trong nước chưa sẵn sàng cho M&A. Các ông chủ DN nội địa chưa xác định rõ M&A để làm gì (gọi thêm vốn, nhận thêm công nghệ hay tiếp cận kỹ năng quản trị). Tất cả các mục tiêu đều khá mơ hồ. Những kế hoạch kinh doanh của DN khi đưa ra đàm phán với đối tác ngoại thì tính khả thi không cao. Hệ thống sổ sách kế toán cũng không thống nhất, ví dụ hệ thống cho cơ quan thuế riêng, hệ thống cho nhà quản trị DN lại khác nữa. Các quyết định kinh doanh của DN chỉ phụ thuộc vào một đến hai người trong khi cơ chế kiểm soát rủi ro chưa thật sự thuyết phục.
Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Tập đoàn VNG, riêng thu hút vốn M&A trong ngành công nghệ đã thấy DN tại Việt Nam “lép vế” hơn so với DN các nước trong khu vực. Ngay cả với Tập đoàn VNG, chuyện huy động được 200 - 300 triệu USD cũng không hề dễ dàng vì phải vượt qua nhiều thủ tục quy định về quản lý nhà nước…
Thương lượng M&A: Đừng quá quan tâm đến lợi ích ngắn hạn
Cho dù đều nói Việt Nam là thị trường còn nhiều bất cập với các hoạt động M&A nhưng khảo sát các nhà đầu tư Hàn Quốc cho thấy Việt Nam vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của dòng vốn ngoại từ nước này.
Ông Jacob Hoyeon Won, Giám đốc điều hành Locus Capital Partner (Hàn Quốc) cho rằng bên cạnh điểm chung về văn hóa, lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam cũng như thực tế bão hòa của kinh tế Hàn Quốc thì DN Việt Nam còn được đánh giá là có thể nhanh chóng thích ứng với công nghệ, quản trị cũng như những đòi hỏi mới của một DN thời kỳ hậu M&A.
Lý do tỷ lệ thương vụ M&A thành công vẫn còn khá khiêm tốn được lý giải là do cách nhìn của đôi bên trên bàn đàm phán. Dường như đa số đối tác Việt Nam đều nghĩ rằng nhà đầu tư ngoại chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính ngắn hạn. Nhưng đây có lẽ là sự hiểu lầm “các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam không chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính ngắn hạn mà còn mong muốn nhìn thấy một DN có tăng trưởng lâu dài”, ông Jacob Hoyeon Won nhấn mạnh.
Ông Danny Le, Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Masan, người có khá nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” với M&A cũng bày tỏ quan điểm phải xét đến cả kế hoạch kinh doanh dài hạn của DN khi định giá cổ phần để bán ra cho đối tác. “Chúng tôi thường xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 20 năm. Dù chúng tôi là bên mua hay bên bán trong thương vụ thì định giá chỉ là khâu cuối cùng của thương vụ, sau khi đã tìm hiểu kỹ về DN cần mua.
Từ phía một DN có rất nhiều dự án M&A được xem là thành công, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Tiến Phước cũng thừa nhận đúng là nhà đầu tư ngoại có những nguyên tắc khắt khe nhất định nhưng từ đó DN sẽ học được nhiều thứ hữu ích về lâu dài.
Theo đánh giá của ông Jeffrey Pirie, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Đông Nam Á, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD, tuy chỉ chiếm 5% tổng giá trị thị trường M&A tại Đông Nam Á nhưng so với quy mô GDP thì con số này đã là rất ấn tượng. Lâu nay Việt Nam mới tăng trưởng dựa trên thâm dụng các yếu tố như nhân công, tài nguyên. Nếu Việt Nam muốn thay đổi thực tế này để có tính cạnh tranh cao hơn, bền vững hơn, tức tăng tưởng dựa trên năng suất lao động thì M&A chính là chất xúc tác khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn. |
Phương Hiền