Thông báo cùng ngày của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ, theo lời mời từ phía Mỹ, một đoàn đại biểu do Thứ trưởng bộ này – ông Wang Shouwen làm trưởng đoàn sẽ gặp gỡ một đoàn đại biểu Mỹ do Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass dẫn đầu.
“Phía Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm phản đối chủ nghĩa đơn phương và các hành vi mang tính bảo hộ thương mại, đồng thời không chấp nhận các biện pháp hạn chế thương mại đơn phương… Trung Quốc hoan nghênh đối thoại và các hình thức tiếp xúc dựa trên cơ sở có đi có lại, bình đẳng và chính trực” – thông điệp của Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.
Tháng 6/2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã đối thoại với phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 5/2018, ông Liu He đã gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Washington (Mỹ). Tuy nhiên, các nỗ lực đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại đã thất bại và dẫn đến kết quả là vào đầu tháng 7/2018, Washington tuyên bố áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc và kéo theo các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện Mỹ và Trung Quốc còn đang cân nhắc tới phương án sẽ áp đặt các mức thuế trả đũa mới nhằm vào một lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD từ mỗi nước vào ngày 23/8 tới. Thậm chí còn xuất hiện thông tin cho rằng Washington đang chuẩn bị thực hiện kịch bản áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phản ứng của các chuyên gia và thị trường
Phản ứng trước thiện chí nối lại đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, một chuyên gia phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo – ông Makoto Sengoku nói: “Hiện vẫn rất khó để nhận định về diễn biến của các vòng đối thoại, song đây là một tín hiệu tích cực cho thấy hai nước đang tìm kiếm một kế hoạch mang tính thỏa hiệp”.
Trong khi đó, một chuyên gia thuộc tập đoàn Macquarie – ông Larry Hu lại dự báo về khả năng trong vòng đàm phán sắp tới, các đại diện Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về những điều Bắc Kinh cần làm, trong đó gồm việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tiếp tục mở rộng thị trường và nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Ông Hu cho rằng, dựa trên những hành động của Trung Quốc, các đại diện Mỹ có thể sẽ thảo luận về những biện pháp mà nước này có thể thực hiện nhằm tạm thời ngăn chặn kịch bản leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung được kỳ vọng là sẽ giúp hạ nhiệt
quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Ảnh: AFP)
Từ vài tuần trở lại đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá trong một diễn biến nhằm khích lệ các nhà xuất khẩu trong nước thông qua việc hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, điều này được cảnh báo là sẽ khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục bị kéo căng, nhất là vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng nội tệ.
Thậm chí cách đây ít lâu, người đứng đầu Nhà Trắng đã tỏ ra tự tin khi tuyên bố rằng, Mỹ dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, đồng thời cảnh báo nước này sẽ gây sức ép lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nêu như Bắc Kinh không “lùi bước” và hành động để cắt giảm mức thặng dư thương mại đang ở ngưỡng 335 tỷ USD với Mỹ. Hiện lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chưa đủ quy mô để có thể đưa ra các biện pháp trả đũa về thuế ở phạm vi tương đương với mức mà chính quyền Washington đang áp dụng, tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo về kịch bản “phản đòn” thông qua các biện pháp khác.
Kể từ cuộc gặp gỡ cấp cao gần đây nhất diễn ra vào tháng 6/2018, Trung Quốc và Mỹ đã áp mức thuế trị giá hàng chục tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ hai nước, làm dấy lên những mối lo ngại rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, việc Trung Quốc thông báo về việc nối lại các vòng đàm phán thương mại với phía Mỹ được kỳ vọng sẽ làm hé lộ giải pháp giúp “tháo gỡ ngòi nổ” trong quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngay sau khi thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại được công bố, giá trị đồng nội tệ của Trung Quốc đã tăng 1% và thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã có phản ứng tích cực. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đưa ra một tỷ giá tham chiếu mạnh hơn dự báo và thậm chí còn xuất hiện thông tin cho rằng, các ngân hàng nước ngoài có nguy cơ sẽ phải đối mặt với các biện pháp hạn chế khi tiếp cận với các khoản quỹ trong nước. Tính đến 2 giờ 20 phút chiều ngày 16/8 (theo giờ địa phương), tỷ giá đồng nhân dân tệ đã tăng 0,5 %, đạt mức quy đổi 6,8879 nhân dân tệ ăn 1 USD./.
Thu Lan (Theo bloomberg.com, AFP)