Lý giải nguyên nhân không đề nghị giảm thuế cho người làm công ăn lương 

(Chinhphu.vn) - Nếu áp dụng việc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công trong 6 cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao, điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 

Tổng cục Thuế đã  lý giải về chính sách hỗ trợ thuế đối với người dân, DN trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Đây là lý giải của Tổng cục Thuế liên quan đến thông tin báo chí phản ánh về việc: Theo dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ‘bỏ rơi’ người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế TNCN cho đối tượng này.
 

Cụ thể, trước đó, Báo Tuổi trẻ có bài “Thu nhập giảm vẫn bị trừ thuế và không được đề xuất giảm thuế” phản ánh: Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, nhiều DN đóng cửa, người lao động mất việc hoặc giảm lương nhưng hằng tháng vẫn cứ bị tạm khấu trừ số tiền thuế TNCN bằng đúng số thuế trước khi dịch COVID-19 bùng phát vì dựa trên... thu nhập bình quân của năm ngoái.

 

Về phản ánh trên, Tổng cục Thuế vừa đưa ra các thông tin lý giải để dư luận hiểu rõ về chính sách hỗ trợ thuế đối với người dân, DN trong bối cảnh dịch COVID-19.

 

Cụ thể, theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành thì thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định. Với quy định hiện hành thì người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến.

 

Trường hợp cụ thể như bài báo nêu: Người lao động có 2 người phụ thuộc và có đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc thì với mức thu nhập 22 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế và không bị tạm khấu trừ thuế TNCN; với mức thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì theo quy định sẽ nộp thuế ở bậc 1 với thuế suất 5% và số thuế khấu trừ hàng tháng chỉ ở mức 39.250 đồng/tháng. 

 

Như vậy, Tổng cục Thuế khẳng định: Tổ chức trả thu nhập như trong bài báo nêu tạm khấu trừ thuế TNCN của người lao động theo mức thu nhập bình quân của năm trước ngay cả khi có mức thu nhập thấp 4,5 triệu đồng/tháng hoặc 20 - 25 triệu đồng/tháng với 2 người phụ thuộc là không đúng với quy định của pháp luật thuế TNCN.

 

Tổng cục Thuế nêu quan điểm: Khi đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương tiền công trong 6 cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập cao, điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thực tế, số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công.

 

Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh quy định mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Quy định mới này đã có tác động điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu người lao động, giảm thu NSNN là 10.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 thì theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.
 

Trong bối cảnh khó khăn, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN người dân chịu tác động của dịch COVID-19 thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhìn chung, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn bất thường chưa từng có, tác động tới hầu hết các ngành nghề lĩnh vực. Nhiều hiệp hội DN, ngành nghề cũng đã có ý kiến đóng góp về việc tăng liều lượng và mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay, các dư địa về chính sách tài khoá và tiền tệ không còn nhiều. Chính phủ đang phải giải các “bài toán khó” để làm sao hỗ trợ kịp thời người dân, DN vượt khó do COVID-19 nhưng vẫn phải bảo đảm ngân sách, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa chống dịch quyết liệt nhưng vẫn cố gắng tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép đã đặt ra.

 

Anh Minh

462 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 700
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 700
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87353114