Trong đó yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn.
Thường xuyên phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị, an toàn về an ninh, trật tự; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi; không lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật.
Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp số 2968/QCPH-CAT-SGDĐT của Công an tỉnh và Sở GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Xây dựng trường học an toàn; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không cầm cố, thế chấp tài sản, vay tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trái pháp luật, không hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, phòng ngừa sai phạm.
Tiếp tục thực hiện Công văn số 911/SGDĐT-CTTT của Sở GD&ĐT về việc phòng, tránh tham gia cá độ, đánh bạc qua mạng. Chủ động xử lý, khắc phục, giải quyết khi có sự việc xảy ra và báo cáo định kỳ hàng năm (trước ngày 5/11) về Sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn về việc tăng cường các biện pháp xử lý đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Theo đó, thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động của các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty, cơ sở đầu tư tài chính để cho vay nặng lãi và hoạt động tín dụng bất hợp pháp (tín dụng đen) với đặc trưng cơ bản là vay và cho vay tiền không thông qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng và tổ chức huy động vốn trá hình.
Từ năm 2012 đến nay, tại Quảng Trị xảy ra nhiều vụ vỡ nợ lớn, gần đây nhất là vụ Nguyễn Thị Nhàn (thành phố Đông Hà) vỡ nợ hơn 400 tỷ động gây dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự. Theo số liệu thống kê chưa đẩy đủ, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 11 công ty tài chính, 14 cơ sở và 138 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao...